Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ
Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc tạo ra cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, theo Tiến sĩ Irfan Ulhaq, một giảng viên khác đến từ ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT.
Người mua tại Mỹ đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và ngành sản xuất mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép và đồ nội thất, khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Các hiệp định thương mại và năng lực sản xuất hiệu quả về mặt chi phí của Việt Nam mang lại lợi thế cạnh tranh để đảm bảo duy trì hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu Mỹ.
“Để khai thác đầy đủ các cơ hội này, doanh nghiệp nên tuân thủ các quy định thương mại của Mỹ, đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Đầu tư vào thương hiệu, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các kỹ thuật sản xuất tiên tiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh”, Tiến sĩ Ulhaq cho biết.
Ông cũng nêu bật Nghị định 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm khởi động Quỹ hỗ trợ đầu tư để thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, bao gồm cả chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và R&D. Các ưu đãi theo nghị định này cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng, đổi mới và tiến bộ công nghệ, giúp các doanh nghiệp đảm bảo vị thế của mình trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, việc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ (hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) cũng khiến Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những thay đổi chính sách của Mỹ. Một rủi ro đáng kể khác là chi phí nguyên liệu thô tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Để duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam nên coi những biến động thuế quan sắp tới này là động lực để phát triển khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của mình – nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT.
Theo ông, khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chứng minh được tính nguyên bản của sản phẩm và phân biệt chúng với các sản phẩm của Trung Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ và các thị trường toàn cầu khác ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc.
“Cuộc thương chiến này mang đến cho Việt Nam cơ hội tái cấu trúc các chuỗi cung ứng. Sẽ không bền vững nếu chỉ trở thành trạm trung chuyển cho khâu đóng gói đơn giản. Thay vào đó, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn để triển khai các quy trình công nghệ mang lại giá trị gia tăng”, Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh.
“Các doanh nghiệp cũng nên chủ động đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất để tránh bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra chống trốn thuế trong tương lai”.