“Pha chế” chiến lược cho ngành cà phê Việt

“Pha chế” chiến lược cho ngành cà phê Việt

Các bên liên quan trong ngành cà phê nên theo đuổi những giải pháp chiến lược để đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành là khuyến nghị của hai chuyên gia đến từ Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Đọc bài viết trước: “Ngành cà phê Việt Nam đối mặt trở ngại trên thị trường toàn cầu”.

Thị trường cà phê Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng khi giá tăng và sản lượng giảm đang tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội.

Theo hai chuyên gia từ Đại học RMIT, Tiến sĩ Devmali Perera (giảng viên ngành Tài chính) và Tiến sĩ Majo George (giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics), các bên liên quan có thể điều hướng môi trường đầy biến động này và trang bị để thành công lâu dài bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận chiến lược. Nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà đầu tư phải linh hoạt và chủ động trong chiến lược của mình để phát triển mạnh mẽ trên thị trường cà phê đầy biến động.

Áp dụng phương pháp canh tác bền vững và tiêu chuẩn chất lượng

Ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến ​​canh tác bền vững tập trung vào bảo tồn môi trường. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê.

hạt cà phê tươi Các phương pháp canh tác bền vững có thể giúp giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê. (Hình: Unsplash)

Theo Tiến sĩ Majo George, các mối quan hệ hợp tác công tư như chương trình Sản xuất kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact) tại Đắk Lắk có thể tạo ra các mô hình bền vững và cải thiện khả năng phục hồi của nông dân. Những quan hệ đối tác này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình nông lâm kết hợp và các phương pháp thân thiện với môi trường khác nhằm nâng cao tính bền vững lâu dài.

Xuất khẩu cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ đang được chú ý hơn bởi các sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt liên quan đến chế biến cà phê cũng rất quan trọng.

Tiến sĩ Devmali Perera cho biết: “Việc khuyến khích các chứng nhận như Fair Trade, Organic và Rainforest Alliance giúp nhà sản xuất tiếp cận thị trường cao cấp và đạt được mức giá tốt hơn”.

“Những chứng nhận này không chỉ cải thiện khả năng tiếp thị sản phẩm mà còn thúc đẩy các hoạt động canh tác bền vững và có đạo đức, phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới tiêu dùng có trách nhiệm hơn”, bà nói.

Đầu tư vào nâng cao năng lực, nghiên cứu và phát triển

Các chương trình đào tạo cho nông dân về các biện pháp canh tác tốt nhất, cũng như cách quản lý chất lượng và quy trình chứng nhận có thể thôi thúc họ sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

“Các chương trình đào tạo rất cần thiết để trang bị cho nông dân kiến ​​thức và kỹ năng cần có nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây cà phê. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đầy thách thức của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, trong đó việc duy trì chất lượng hạt trong quá trình sản xuất là một vấn đề lớn”, Tiến sĩ Perera nói.

Chính phủ cũng có thể tìm cách thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước khác. Điều này có thể giúp hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng tổng thể của cà phê Việt Nam.

Tiến sĩ Perera cho biết: “Hơn nữa, chính phủ có thể hợp tác với các trường đại học trong nước và quốc tế để tiến hành nghiên cứu về các phương pháp canh tác bền vững và công nghệ mới nhằm hỗ trợ ngành này”.

hạt cà phê rang Maintaining bean quality during production is a significant issue for the Vietnamese coffee industry. (Photo: Unsplash)

Tiến sĩ George ủng hộ việc sử dụng công nghệ thông tin thị trường theo thời gian thực, phân tích dữ liệu dự đoán thời tiết và áp dụng nền tảng kỹ thuật số để giao dịch trực tiếp giữa nông dân với thị trường.

Ông nói: “Những công nghệ này có thể cung cấp cho người nông dân hiểu biết và công cụ tốt hơn để quản lý cây trồng của họ và đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Hỗ trợ của chính phủ về cơ sở hạ tầng, tài chính và tiếp cận thị trường

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại cho đường giao thông, kho lưu trữ và nhà máy chế biến là rất quan trọng để cải thiện quy trình xử lý sau thu hoạch và giảm tổn thất về chất lượng. Điều này có thể giúp hợp lý hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả vận chuyển và lưu trữ cà phê.

Hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức hỗ trợ tài chính và trợ cấp có thể giảm chi phí sản xuất cho nông dân trồng cà phê. Đặc biệt, trợ cấp phân bón và thiết bị canh tác tiên tiến có thể giúp nông dân duy trì và cải thiện diện tích trồng cà phê với chi phí hợp lý hơn.

Xúc tiến xuất khẩu là một lĩnh vực trọng tâm quan trọng khác. Các chính sách nhằm quảng bá cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, bao gồm tham gia các hội chợ thương mại toàn cầu và tận dụng các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, có thể tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho cà phê xuất khẩu Việt Nam.

“Ngành này phải tiếp tục đổi mới và thích ứng để giảm thiểu rủi ro. Khả năng phục hồi và thích ứng của các nhà sản xuất cà phê Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các biện pháp đổi mới, sẽ là chìa khóa để vượt qua khó khăn hiện tại và đảm bảo thành công lâu dài trên thị trường cà phê toàn cầu”, Tiến sĩ Perera kết luận.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Logistics

Tin tức liên quan