Quản trị nhân sự - không còn gói gọn trong quản lý bảng lương, hợp đồng lao động

Quản trị nhân sự - không còn gói gọn trong quản lý bảng lương, hợp đồng lao động

Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại năng động, quản trị nguồn nhân lực đang dần chuyển mình, thách thức hướng quản lý thông thường, chuyển sang ưu tiên trải nghiệm nhân viên, quan hệ đối tác chiến lược và đổi mới công nghệ. Phó giáo sư Elaine Chew từ Đại học RMIT Việt Nam phân tích viễn cảnh hấp dẫn cho ngành nhân sự trong tương lai. 

Nhân sự không còn đơn thuần là một bộ phận hành chính thông thường mà đã trở thành nguồn lực mang tính chiến lược giúp định hình văn hóa tổ chức, thúc đẩy gắn kết giữa đội ngũ nhân viên và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Sự phát triển này thể hiện quá trình chuyển đổi sâu rộng từ quản lý nhân sự truyền thống sang hướng tiếp cận toàn diện, xem nhân viên là tài sản quan trọng thay vì nguồn lực dễ thay thế, để tái đầu tư vào sự phát triển, phúc lợi, cũng như tính kết nối của nhân viên.

Chuyển đổi chiến lược của quản trị nhân sự

Vai trò của quản trị nhân sự đã mở rộng đáng kể, không còn gói gọn trong việc quản lý hợp đồng lao động và chế độ lương thưởng. Bộ phận quản trị nhân sự hiện đại hiện đã trở thành đối tác chiến lược chuyên tạo ra và thực thi các chính sách phù hợp với mục tiêu của công ty, đồng thời tạo ra thương hiệu nhà tuyển dụng có thể thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu. Hướng tiếp cận mới này đã vượt xa các tương tác theo kiểu trao đổi sản phẩm sức lao động, thay vào đó tập trung vào việc tạo ra các trải nghiệm có ý nghĩa ở nơi làm việc.

Việc tạo ra những trải nghiệm tích cực ở nơi làm việc để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng tương đồng với việc ngày càng có nhiều nhân viên dùng mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số chia sẻ những khoảnh khắc của họ ở chốn công sở. Người tìm việc hiện nay thường dựa vào các nguồn tin độc lập như nội dung do người dùng tạo ra, đề xuất từ bạn bè và các câu chuyện họ thu thập được trên môi trường trực tuyến để tự nhận định về nhà tuyển dụng mà họ đang nhắm đến. Các nền tảng như Instagram, với hai tỉ người dùng tích cực hằng tháng, đã trở thành công cụ vô cùng quyền năng để hiểu về văn hóa công sở, thường tiết lộ thông tin chi tiết mà các phương tiện truyền thông chính thống không có.

Trọng tâm của chuyển đổi này là hiểu biết sâu sắc về động lực của người lao động. Điều này đòi hỏi khả năng tạo ra những câu chuyện hấp dẫn trên không gian trực tuyến phản ảnh thương hiệu nhà tuyển dụng từ văn hóa doanh nghiệp, trải nghiệm nhân viên cho đến hoạt động cộng đồng. Bộ phận nhân sự giờ đây được giao nhiệm vụ trả lời các câu hỏi phức tạp như: Công ty làm thế nào để vừa tiếp thêm động lực cho nhân viên, vừa đảm bảo năng suất và tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc thật sự? Điều này đòi hỏi hướng tiếp cận phức hợp ghi nhận sự khác biệt của từng cá nhân cũng như động lực của cả tổ chức.

Tương lai của môi trường làm việc xuất sắc

Tối ưu hóa Công nghiệp 4.0, quản trị nhân sự chiến lược tại Việt Nam có thể xem là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp vượt qua tính cấp bách và cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kỹ thuật máy tính. Quản trị nhân sự là nghệ thuật hiểu, lắng nghe và tạo ra môi trường nơi từng cá nhân có thể thực sự phát triển. Nó thách thức cách nhìn truyền thống xem ngành nhân sự như một bộ phận chức năng chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ. Giờ đây, quản trị nhân sự là một chất xúc tác cho sự phát triển của tổ chức và cá nhân.

Các tổ chức thành công nhất sẽ là những nơi xem bộ phận nhân sự không đơn thuần là một phòng ban mà là đầu não tư duy chiến lược xem từng tương tác của nhân viên là cơ hội để xây dựng lòng tin, truyền cảm hứng làm tốt công việc và tạo ra trải nghiệm làm việc ý nghĩa.

Bài: Phó giáo sư Elaine Chew, quyền Phó chủ nhiệm phụ trách nghiên cứu của nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Liên hệ Phó giáo sư Elaine Chew để thảo luận sâu hơn về:

  • Quản trị nguồn nhân lực
  • Tâm lý học tổ chức
  • Chiến lược và quản trị du lịch
  • Tâm lý học tiêu dùng
  • Bền vững

Vui lòng gửi yêu cầu phỏng vấn của Anh/Chị về thư điện tử communications@rmit.edu.vn.

Tin tức liên quan