Hành trình trưởng thành qua các cuộc thi của ba tân khoa RMIT

Hành trình trưởng thành qua các cuộc thi của ba tân khoa RMIT

Bước ra khỏi vùng an toàn của lớp học để tranh tài ở các cuộc thi có thể là thử thách không nhỏ, nhưng giá trị mà sinh viên nhận được không dừng lại ở những chiếc cúp hay tấm huy chương, mà là trải nghiệm giúp rèn luyện kỹ năng, nâng cao nhận thức và mở ra cơ hội thực tế.

Nhân dịp Đại học RMIT Việt Nam chào mừng lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2025, ba tân khoa xuất sắc của trường đã chia sẻ về những cuộc thi giúp họ trưởng thành hơn từng ngày.

Trau dồi kỹ năng cần thiết cho kỷ nguyên AI

Nguyễn Cù An Khang – Cử nhân Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính), Sinh viên tiêu biểu Khóa 2025 của cơ sở Nam Sài Gòn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT

Trong một thế giới mà AI đang viết lại mọi quy tắc vận hành, Nguyễn Cù An Khang đã học được cách đặt câu hỏi tốt hơn thay vì chỉ đưa ra câu trả lời hay hơn. Và anh đã rèn luyện kỹ năng đó một phần nhờ tham gia gần 20 cuộc thi sinh viên trong thời gian học tại RMIT.

Đáng chú ý, Khang cùng đồng đội từng đại diện Việt Nam tham dự chung kết cuộc thi IIBD International Case Competition 2023 và giành giải Ba toàn cầu trong tổng số 42 quốc gia – một thành tích mà trước đó chưa đội Việt Nam nào đạt được. Tuy nhiên, các cuộc thi đối với Khang không chỉ đơn thuần xoay quanh mục tiêu đoạt giải.

“Mỗi cuộc thi lại thay đổi mình theo một cách riêng, như từng mảnh ghép dần tạo nên con người hoàn chỉnh của mình hôm nay”, anh chia sẻ.

Khang và đồng đội Khang (thứ ba từ trái sang) tại vòng chung kết cuộc thi IIBD International Case Competition 2023 tổ chức tại Hồng Kông. (Hình: NVCC)

Thời gian đầu tham gia các cuộc thi, Khang trau dồi khả năng kể chuyện qua các bài trình bày và học hỏi về các khung tư duy logic. Dần dần, anh phát triển kỹ năng lãnh đạo và trực giác để thấu hiểu những nhu cầu tiềm ẩn của mọi người. Điều này đã dẫn dắt anh đến với phương châm hiện tại, đó là “lấy khách hàng làm trung tâm”.

Khang đã dùng tư duy này làm nền tảng cách tiếp cận của anh khi đảm nhiệm vai trò cố vấn, dẫn dắt khoảng 50 sinh viên từ hơn 20 đội nhóm trên khắp cả nước đến với thành công trong nhiều cuộc thi. Anh còn được AIESEC và một số tổ chức khác tin tưởng giao nhiệm vụ tư vấn và đào tạo kỹ năng đón đầu tương lai cho sinh viên.

"Cho dù là giám khảo, giáo viên, đồng đội hay khách hàng tương lai – nếu bạn thấu hiểu được họ thì bạn sẽ nắm trong tay chìa khóa để thành công. Và nguyên tắc này vượt xa khuôn khổ các cuộc thi”, anh cho hay.

Nhờ trải nghiệm giải quyết các vấn đề thực tế và kết nối với chuyên gia từ nhiều ngành nghề tại các cuộc thi, Khang nhận ra rằng những kỹ năng như lắng nghe sâu, đặt câu hỏi hợp lý và tư duy sáng tạo chính là những yếu tố sẽ tiếp tục được săn đón trong thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI).

“AI có thể phân tích, tạo nội dung và tối ưu hóa, nhưng nó không có khả năng tò mò. Nó không có trực giác hay cảm nhận được lý do sâu xa đằng sau hành vi của con người. Đó chính là lợi thế của chúng ta”.

Khang cùng các sinh viên RMIT Khang (thứ năm từ phải sang, hàng dưới) từng là cố vấn của cuộc thi The Next Founders 2024 do RMIT tổ chức. (Hình: NVCC)

Hiện là quản trị viên tập sự tại công ty Avery Dennison, Khang tin rằng sự tò mò khám phá chính là hành trang quan trọng nhất mà con người cần khi bước vào kỷ nguyên AI.

“Sự tò mò luôn là kim chỉ nam của mình mỗi khi đến một nơi mới, dù là cuộc thi hay nơi làm việc. Nếu bạn đang bước vào tương lai do AI định hình, đừng chỉ mang theo kỹ năng. Hãy mang theo nhiều câu hỏi. Đó là cách chúng ta có thể mở rộng tri thức, khơi nguồn sáng tạo và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn”, Khang nói.

Tìm thấy sứ mệnh sau mỗi bản đề xuất ý tưởng

Lương Thảo My – Cử nhân Công nghệ thông tin (CNTT)

Tốt nghiệp với điểm trung bình (GPA) 3.7/4.0 và kinh nghiệm tham gia các cuộc thi hackathon công nghệ, thử thách giải quyết tình huống kinh doanh và diễn đàn phát triển bền vững dành cho thanh niên, hành trình của Lương Thảo My cho thấy các cuộc thi có thể là cầu nối giữa kiến thức chuyên môn và sứ mệnh cao cả hơn.

Là sinh viên ngành CNTT với chuyên ngành phụ AI, My cho biết các cuộc thi đã thay đổi hoài bão tương lai của cô trong lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững.

“Ban đầu, mục tiêu của mình mang tính cá nhân – làm sao để thăng tiến nhanh và đạt mức thu nhập tốt. Nhưng góc nhìn của mình đã thay đổi sau khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo thanh niên ASEAN - Trung Quốc - Ấn Độ và cùng các bạn RMIT giải quyết vấn đề rác thải ngành dệt may Việt Nam. Trải nghiệm đó đã cho mình một tầm nhìn rộng lớn hơn”, cô chia sẻ.

My và đồng đội My (thứ hai từ phải) cùng các đồng đội quốc tế tại vòng chung kết Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo thanh niên ASEAN - Trung Quốc - Ấn Độ 2024 tổ chức tại Singapore. (Hình: NVCC)

Nhãn quan của My tiếp tục thay đổi sau khi tham gia chương trình Lãnh đạo trẻ vì Việt Nam của McKinsey & Company năm 2024. Tại đây, đội của My được giao đề bài là tư vấn cho một tổ chức phi chính phủ Việt Nam chuyên tái chế vải vụn thành sản phẩm thủ công do người khuyết tật làm.

“Mình nhận ra rằng kỹ năng kinh doanh có thể mở ra nhiều cơ hội có ý nghĩa và giúp hồi sinh cả nguyên liệu lẫn cuộc sống con người. Những trải nghiệm đó đã khiến mình nhận ra rằng mình muốn tham gia vào các sáng kiến phục vụ những sứ mệnh rõ ràng”, cô nói.

Trong tương lai, My kỳ vọng trở thành tiếng nói tiên phong ủng hộ phát triển bền vững toàn cầu, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo cho thế hệ tương lai, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và ASEAN.

My đang thực hiện hai dự án xã hội, tập trung vào sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và phát triển bền vững. Dự định tiếp theo của cô là học thạc sĩ ngành Kỹ thuật phát triển bền vững tại châu Âu và sau này sẽ học lên tiến sĩ trong một lĩnh vực giao thoa giữa AI và biến đổi khí hậu.

My thuyết trình My trình bày ý tưởng của đội tại thử thách phát triển xanh “Crack the Green Case” trong khuôn khổ Lễ hội Nghề nghiệp RMIT 2024. (Hình: RMIT)

Lời khuyên của My dành cho các bạn sinh viên là: “Các cuộc thi đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, vậy nên hãy tự hỏi bản thân: Vì sao bạn muốn tham gia?”

“Với mình, đó là nơi thử nghiệm những ý tưởng táo bạo. Với người khác, tham gia thi đấu có thể giúp làm đẹp cho hồ sơ xin việc hay mở rộng mạng lưới quan hệ. Mỗi người sẽ có động lực riêng – hãy xác định rõ đó là gì”.

Tạo ảnh hưởng qua mỗi ý tưởng

Huỳnh Duy Thông – Thủ khoa ngành Cử nhân Kinh doanh (Kinh doanh quốc tế) năm 2025

Trong suốt thời gian học tại RMIT, Huỳnh Duy Thông đã xây dựng một hồ sơ cá nhân đáng ngưỡng mộ. Anh từng tham gia hơn 30 cuộc thi và giành giải cao trong 13 cuộc, bao gồm giải Nhì toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo thanh niên ASEAN - Trung Quốc - Ấn Độ, bên cạnh tám danh hiệu quán quân.

Trong đó, có một cuộc thi mang ý nghĩa đặc biệt với Thông. Năm 2024, anh và đồng đội giành chiến thắng tại cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” của Tổ chức Di cư Quốc tế - IOM. Chiến thắng đó cho anh cơ hội đồng sáng lập và dẫn dắt Gen Zi Cư – một dự án xã hội gồm ba giai đoạn nhằm nâng cao nhận thức về di cư an toàn cho giới trẻ.

Thông Thông tham gia cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” của Tổ chức Di cư Quốc tế vào năm 2024. (Hình: NVCC)

Điểm nhấn của dự án là cuộc thi hùng biện Gen Zi Nói – sáng kiến trang bị cho người trẻ kỹ năng tư duy phản biện, thuyết trình và kiến thức thực tế về di cư an toàn, đặc biệt trong bối cảnh du học. Chương trình thu hút hơn 70 thí sinh và hơn 200 triệu đồng tài trợ hiện vật và hiện kim.

Thông chia sẻ: “Bài thuyết trình ý tưởng của bạn ngày hôm nay có thể trở thành một doanh nghiệp khởi nghiệp vào ngày mai. Giải pháp cho tình huống kinh doanh mà bạn đề xuất có thể được chuyển hóa thành chính sách. Mô hình mẫu từ cuộc thi công nghệ mà bạn tham gia có thể giúp ích cho một cộng đồng địa phương. Thế giới đang chờ đợi ý tưởng của bạn, và hơn hết, đang chờ hành động của bạn”.

Thông coi các cuộc thi như một “phòng LAB” của cuộc sống:

  • L – learn deeply (Học sâu) – hấp thụ kỹ năng, hiểu biết và phản hồi như một miếng bọt biển.
  • A – act courageously (Hành động dũng cảm) – áp dụng những gì học được, dù cảm thấy không chắc chắn.
  • B – build authentically (Xây dựng những thứ đích thực) – tạo nên các mối quan hệ và dự án có sức trường tồn hơn cả giải thưởng.

Thông thừa nhận rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ đối với cậu. “Có những cuộc thi kết thúc trong im lặng và từ chối. Nhưng chính những khoảnh khắc đó dạy mình rằng thất bại không đối lập với sự trưởng thành, mà là nguyên liệu giúp ta trưởng thành”.

Hiện anh đang làm việc toàn thời gian cho doanh nghiệp của gia đình và vẫn tiếp tục ứng dụng những kỹ năng thu được từ các cuộc thi sinh viên. “Trải nghiệm tranh tài cho mình công cụ để trở thành một người lãnh đạo tốt hơn, có tư duy chiến lược và sống với mục đích, đam mê rõ ràng. Các mối quan hệ mà mình xây dựng được, cũng như những năm tháng trưởng thành mà mình đã trải qua sẽ luôn là một phần nền tảng trong mình”.

Thông và đồng đội Thông (thứ hai từ phải) vô địch quốc gia cuộc thi Swin-Biz-Rockstar năm 2023, một trong tám danh hiệu vô địch mà anh giành được khi là sinh viên RMIT. (Hình: NVCC)

Các cuộc thi là cơ hội để thay đổi và phát triển. Câu chuyện của ba tân cử nhân RMIT là minh chứng cho thấy việc chấp nhận thử thách, học hỏi từ thất bại và áp dụng kỹ năng vào thực tế có thể tạo ra bước ngoặt lớn trong hành trình trưởng thành. Đối với các sinh viên còn đang cân nhắc có nên thử sức, thông điệp ở đây rất rõ ràng - chiến thắng lớn nhất chính là sự phát triển của bản thân bạn.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

Tin tức liên quan