Trên đường băng tĩnh lặng, cô gái trẻ lên chuyến bay RMIT với niềm tin và sự tò mò, mong mỏi một ngày không xa, cô sẽ trở lại nơi khởi đầu để tiếp sức cho thế hệ sau.
Là một trong những sinh viên đầu tiên của ngành Cử nhân Khoa học ứng dụng (Hàng không) tại RMIT Việt Nam, Khưu Minh Khuê không chỉ kiến tạo hành trình cho riêng mình mà còn âm thầm mở lối cho những thế hệ kế tiếp.
Từ các sáng kiến học thuật hàng đầu đến việc dành chiến thắng với đồ án tốt nghiệp ứng dụng AI vào an toàn bay, hành trình của cô được truyền cảm hứng từ những người với điểm đến không nằm trên bầu trời mà ở giảng đường nơi ươm mầm những ước mơ đầu tiên.
Với Khuê, hàng không không phải là giấc mơ tuổi thơ hay một khoảnh khắc “bật sáng”, mà là lựa chọn được hình thành từ những khoảng lặng suy tư và phản tỉnh. Ngay từ năm cuối trung học, ảnh hưởng từ chị cô, một cựu sinh viên RMIT, và bởi những đến thăm trường, Khuê đã chọn RMIT Việt Nam.
“Em bị thu hút bởi bầu không khí ở RMIT Việt Nam. Cảm giác hiện đại, quốc tế nhưng lại gần gũi”, Khuê chia sẻ.
Sau khi chọn trường, Khuê bắt đầu tìm kiếm ngành học phù hợp với tính cách bản thân – một ngành thiên về quản trị, chuyên sâu nhưng không quá nặng kỹ thuật và phải đủ rõ ràng để cô có thể hình dung được bản thân mình trong tương lai. Thời điểm đó, RMIT Việt Nam vừa ra mắt ngành Hàng không, dẫu còn khá mới mẻ và đầy thử thách, nhưng lại chính là điều Khuê đang tìm kiếm.
“Chương trình này đáp ứng tất cả những gì em mong muốn – về cấu trúc, có hơi hướng quốc tế và định hướng rõ ràng”, cô nói.
“Em đã tự tìm hiểu, trao đổi với gia đình, và dù ban đầu có chút bất ngờ, mọi người đều ủng hộ em”.
Hơn ba năm học tại RMIT, Minh Khuê không chỉ nổi bật nhờ thành tích học tập xuất sắc mà còn là người tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng sinh viên ngành Hàng không tại RMIT. Là sinh viên hỗ trợ học tập đầu tiên của ngành thuộc chương trình Bạn giúp bạn (PAL) của RMIT, Khuê nhanh chóng trở thành gương mặt quen thuộc với sinh viên năm nhất với tư cách một người dẫn dắt, cố vấn, và đôi khi, là người truyền cảm hứng.
Ông Michael Valley, Quản lý chương trình PAL, đánh giá cao tác động mà Khuê đem lại: "Khuê là một sinh viên hỗ trợ học tập xuất sắc. Em hỗ trợ các bạn khác học tập, đồng thời khuyến khích các bạn tư duy phản biện và độc lập trong học tập. Nhiều em quay lại vì tin tưởng Khuê bởi em tận tâm, chuyên nghiệp và ấm áp".
Bên cạnh đó, Khuê còn đảm nhiệm vai trò đại diện sinh viên ngành Hàng không. Cô truyền đạt ý kiến sinh viên một cách rõ ràng và mang tính xây dựng, nên nhận được sự tôn trọng từ cả bạn học và khoa.
Thách thức lớn nhất với Khuê trong quá trình học chính làm đồ án cuối khóa. Tuy nhiên, đồ án này đã đem về cho cô cùng nhóm của mình giải Đồ án cuối khóa tốt nhất của ngành học.
Dự án “Ứng dụng AI quản lý tình trạng mệt mỏi của phi công”, đã giải quyết một vấn đề đặc biệt phức tạp về mặt kỹ thuật, nhưng mang tính thực tiễn cao trong ngành hàng không. Nhóm đề xuất sử dụng AI để đánh giá và quản lý tình trạng mệt mỏi của phi công trong giai đoạn trước chuyến bay, dựa trên nhận diện khuôn mặt và phân tích chuyển động mắt. Hệ thống phân loại mệt mỏi theo mức độ thấp, trung bình hoặc cao, đồng thời phát cảnh báo nếu phi công được xác định là không đủ tỉnh táo để thực hiện chuyến bay.
“Việc đánh giá mức độ mệt mỏi thường dựa vào lịch nghỉ ngơi, nhưng điều này không phải lúc nào cũng phản ánh đúng trạng thái thực sự của một người. Dự án của chúng em mang đến một giải pháp khách quan và chủ động, cho phép can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn”, Khuê chia sẻ.
Dù không có nền tảng kỹ thuật về AI, Khuê và nhóm của mình vẫn theo đuổi ý tưởng này vì liên quan đến an toàn hàng không. Dự án nhận được đánh giá cao từ hội đồng chấm điểm nhờ sự sáng tạo và tư duy thực tế.
Ngoài việc học, Khuê còn đi thực tập tại bộ phận khai thác bay của VietJet Air, để tiếp xúc trực tiếp với vận hành thực tế của một hãng hàng không.
"Trong quá trình thực tập, em học được cách linh hoạt hơn, đặt câu hỏi tốt hơn và hiểu về ngành rõ ràng hơn”, cô nói.
Một dấu mốc đáng nhớ khác trong hành trình của cô là chuyến tham quan học tập tới Barcelona cùng Chương trình Lãnh đạo công dân toàn cầu của RMIT. Khuê đã tham gia triển lãm về thành phố thông minh thế giới, gặp gỡ bạn bè quốc tế và trình bày ý tưởng với lãnh đạo địa phương.
"Trải nghiệm đó đã mở rộng thế giới quan của em. Em nhận ra rằng tư duy toàn cầu không nhất thiết phải bắt đầu ở một nơi xa xôi, mà có thể bắt đầu ngay từ lớp học, trong từng cuộc trò chuyện và dự án", cô chia sẻ.
Với Khuê, “giữ vững cao độ” không chỉ là duy trì thành tích học tập, mà còn là thái độ chủ động, có trách nhiệm và không ngừng học hỏi trước mọi thử thách - những phẩm chất của một lãnh đạo và có lẽ một ngày nào đó cũng của một nhà giáo.
Vào lúc khép lại hành trình đại học, ngoài việc tập trung vào sự nghiệp trước mắt, Khuê còn ấp ủ mục tiêu quay lại giảng đường và truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp. Còn lúc này đây, cô đang háo hức thực hiện bước tiếp theo và tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm mà cô có thể góp sức mình cũng như tích lũy kinh nghiệm thực tiễn sau tốt nghiệp.
“Em muốn đi làm trước để hiểu rõ hơn về ngành, tích lũy kinh nghiệm thực tế, đối mặt với thử thách và trưởng thành”, Khuê chia sẻ.
“Học lên thạc sĩ luôn là kế hoạch dài hạn của em, không chỉ để nâng cao chuyên môn, mà còn để có thể quay lại giảng dạy trong lĩnh vực mà em yêu thích. Đây là mục tiêu em quyết tâm thực hiện đến cùng nên đang chủ động tìm kiếm cơ hội học bổng để biến hành trình học vấn này thành hiện thực”.
Hoài bão của Khuê chưa bao giờ dừng lại ở chức danh hay bằng cấp. Trong quá trình học tại RMIT, Khuê nhận ra rằng niềm vui lớn nhất với cô không chỉ đến từ việc học, mà còn đến từ việc lan tỏa tri thức, giúp người khác phát triển và tìm ra con đường riêng của họ. Nhận thức đó đã khơi gợi ước mơ trở thành một giảng viên giống như những thầy cô đã truyền cảm hứng cho cô tại RMIT.
“RMIT đã thay đổi cách em tư duy, kỹ năng cũng như tự tin của bản thân em. Nếu sau này trở thành giảng viên thì tất cả những điều em tích lũy được từ ngôi trường này sẽ là hành trang quý báu nhất”, Khuê chia sẻ.
Tiến sĩ Alberto Bernabeo, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Hàng không tại RMIT Việt Nam, người đã giảng dạy Khuê trong nhiều học kỳ, cũng nhìn thấy tiềm năng ở cô sinh viên này.
“Khuê là một sinh viên xuất sắc, tự tin, tổ chức tốt và nghiêm túc học hành. Em ấy làm việc nhóm hiệu quả, truyền đạt rõ ràng và tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh. Tôi tin chắc rằng Khuê sẽ thành công trong lĩnh vực học thuật và trở thành một giảng viên truyền cảm hứng”, ông nói.
Với Khuê, ước mơ ấy không đơn thuần là đích đến, mà là một lời hứa - cam kết sẽ quay lại và chắp cánh cho thế hệ tương lai vươn xa. “Em tin rằng học cách bay cao là điều quan trọng nhưng giúp người khác bay cao có ý nghĩa hơn nhiều”, Khuê chia sẻ.
Với những ai vẫn đang loay hoay tìm hướng đi, câu chuyện của Khưu Minh Khuê là lời nhắc nhở rằng theo đuổi con đường học thuật không hề lạc lõng hay xa rời thực tế. Đó có thể chính là con đường trở về với mục đích, cộng đồng và với niềm vui được đền đáp.
Bài: Quân Đinh H.
Bước ra khỏi vùng an toàn của lớp học để tranh tài ở các cuộc thi có thể là thử thách không nhỏ, nhưng giá trị mà sinh viên nhận được không dừng lại ở những chiếc cúp hay tấm huy chương.
Trên đường băng tĩnh lặng, cô gái trẻ lên chuyến bay RMIT với niềm tin và sự tò mò, mong mỏi một ngày không xa, cô sẽ trở lại nơi khởi đầu để tiếp sức cho thế hệ sau.
“Chỉ cần gió còn thổi, tôi vẫn sẽ tiến lên phía trước”. Những lời tâm huyết của cô Sinh viên tiêu biểu Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Võ Thanh Hoàng Anh đã gói trọn hành trình chuyển mình đầy đặc biệt của cô gái trẻ.
Được tiếp sức bởi Học bổng Chắp cánh ước mơ RMIT, Hà Viết Tỉnh vừa có thể chạm vào giấc mơ đại học, vừa hiện thực hóa lời hứa với chính mình từ bốn năm trước.