Lãnh đạo làm gì để giảm thiểu tình trạng “ém” kiến thức?
Một khi đã nhận thức được những nguyên nhân cơ bản như vậy, người làm công tác quản lý có thể ứng phó ra sao? Tiến sĩ Hoàng Trường Giang và Tiến sĩ Tony Nguyễn đề xuất năm chiến lược chính để giải quyết tình trạng che giấu kiến thức:
1. Nuôi dưỡng lòng tin: Người quản lý nên tích cực xây dựng lòng tin trong đội nhóm mà mình dẫn dắt. Điều này có thể đạt được thông qua giao tiếp minh bạch, thể hiện sự tin cậy và quan tâm thực sự đến phúc lợi toàn diện của nhân viên. Ví dụ, bằng cách thường xuyên hỏi thăm các thành viên trong nhóm và ghi nhận đóng góp của họ, người quản lý sẽ tạo ra cảm giác an toàn, khuyến khích chia sẻ kiến thức.
2. Thúc đẩy lãnh đạo có đạo đức: Các lãnh đạo nên làm gương về hành vi đạo đức, chủ động khen thưởng tính minh bạch, và tạo ra văn hóa làm việc nơi hành động chia sẻ kiến thức được coi trọng và ghi nhận. Chẳng hạn, bằng cách vinh danh những nhân viên cộng tác hiệu quả trong các cuộc họp nhóm, lãnh đạo có thể tái khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ hiểu biết.
3. Tăng cường cam kết đối với tổ chức: Các lãnh đạo có thể tăng cường cam kết của nhân viên đối với tổ chức bằng cách kết nối mục tiêu cá nhân của nhân viên với mục tiêu của tổ chức. Tạo cơ hội phát triển chuyên môn, ghi nhận những đóng góp của nhân viên và nuôi dưỡng cảm giác được gắn kết là những biện pháp có thể thúc đẩy nhân viên tham gia chia sẻ kiến thức thay vì che giấu. Ví dụ, doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình cố vấn, trong đó nhân viên có kinh nghiệm được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho nhân viên mới.
4. Nhận diện tính cách của nhân viên: Hiểu được đặc điểm cá nhân của nhân viên có thể giúp các lãnh đạo điều chỉnh cách tiếp cận, giúp việc chia sẻ kiến thức trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, lãnh đạo có thể xác định những nhân viên thiếu tự tin và tạo điều kiện cho họ dự tập huấn về kỹ năng giao tiếp hiệu quả, giúp họ tự tin bày tỏ ý tưởng mà không sợ bị phán xét.
5. Tạo ra văn hóa cộng tác: Xây dựng văn hóa ưu tiên cộng tác hơn cạnh tranh là rất quan trọng. Các lãnh đạo nên thiết lập các quy tắc quản lý kiến thức rõ ràng để tạo điều kiện cho việc chia sẻ, chẳng hạn như tạo ra các nền tảng cộng tác và đưa ra ưu đãi cho những nhân viên đóng góp vào văn hóa cởi mở. Ví dụ, tổ chức có thể triển khai không gian làm việc kỹ thuật số chung, nơi nhân viên có thể dễ dàng truy cập và đóng góp vào các tài liệu dự án, qua đó tăng cường sự cộng tác và giảm thiểu tình trạng che giấu kiến thức.
Tiến sĩ Hoàng Trường Giang nhấn mạnh: “Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các mối quan hệ nơi làm việc. Bằng cách thúc đẩy lòng tin, hành vi đạo đức và mối quan hệ bền chặt giữa các cá nhân, họ có thể giảm thiểu hành vi che giấu kiến thức và nâng cao hiệu suất chung của tổ chức”.
Xét cho cùng, cách tiếp cận chủ động đối với việc quản lý kiến thức không chỉ mang lại lợi ích cho tổ chức mà còn góp phần tạo nên đội ngũ lao động gắn kết và hợp tác hơn.
“Xử lý tình trạng che giấu kiến thức không đơn thuần là cải thiện các quy trình mà là xây dựng văn hóa tổ chức nơi mỗi nhân viên đều cảm thấy được coi trọng và được trao quyền để đóng góp kiến thức của mình cho thành công chung”, Tiến sĩ Tony Nguyễn kết luận.