Việc này đòi hỏi phải tích hợp bài học kinh nghiệm từ các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu, tập trung vào lập kế hoạch chiến lược, sự tham gia của cộng đồng và triển khai bền vững.
Lập kế hoạch chiến lược cho phát triển cộng đồng
Vạch ra tầm nhìn chung cho phát triển cộng đồng là rất quan trọng. Bên cạnh việc cải tạo hoặc di dời nhà ở, nỗ lực cần tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung thông qua các sáng kiến về y tế, giáo dục và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Công tác tái định cư ở vùng nông thôn và miền núi nên tích hợp các chương trình nâng cao sinh kế, như đào tạo nghề và tài chính vi mô, để tăng năng suất và thu nhập. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông sẽ đảm bảo người dân có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Một số khoản đầu tư như vậy có thể huy động vốn thông qua quan hệ đối tác công-tư.
Để ưu tiên những địa điểm cần xây dựng nhà thay thế, có thể lập bộ chỉ số tái định cư dựa trên các yếu tố như tình trạng dễ bị tổn thương, điều kiện nhà ở và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, nhằm xác định các địa điểm có nhu cầu cao như vùng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hoặc bị cô lập về kinh tế-xã hội.
Đối với khu vực đô thị, Việt Nam có thể tham khảo mô hình nhà ở xã hội của Singapore – một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch toàn diện sẽ giúp chi phí nhà ở hợp lý và tăng khả năng kết nối, tránh bị cô lập về kinh tế-xã hội cho người dân, đồng thời giảm suy thoái môi trường. Việt Nam cũng có thể lấy cảm hứng từ quá trình cải tạo các khu ổ chuột ở Medellin, thành phố lớn thứ hai của Colombia, nơi việc tích hợp không gian công cộng, hệ thống giao thông công cộng và các tiện ích đã phát huy hiệu quả.
Truyền thông hiệu quả và kết nối với các bên liên quan
Công tác truyền thông và gắn kết các bên liên quan là rất cần thiết để xây dựng niềm tin và đưa ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Một cách tiếp cận hữu ích là lập kế hoạch với sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân về cách thiết kế nhà ở, các lựa chọn tái định cư và các tiện ích. Một ví dụ có thể tham khảo là chương trình Baan Mankong của Thái Lan, nơi cộng đồng được cùng thiết kế các giải pháp nhà ở, qua đó cải thiện sự hài lòng và tính bền vững.
Thu hút sự tham gia của cộng đồng vào mọi giai đoạn của dự án cũng đảm bảo các giải pháp phù hợp với văn hóa địa phương. Bằng cách thiết kế nhà ở phù hợp với các tập quán truyền thống và tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội sinh kế như sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công mỹ nghệ, có thể giảm thiểu gián đoạn tới cuộc sống của người dân và thúc đẩy ổn định lâu dài.