Việt Nam lại rơi vào thế "bị kẹt ở giữa"

Việt Nam lại rơi vào thế "bị kẹt ở giữa"

Giảng viên Đại học RMIT Tiến sĩ Santiago Velasquez và Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên phân tích lý do tại sao mức thuế quan mới của Mỹ đẩy doanh nghiệp Việt vào giữa căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Mức thuế quan mới do chính quyền Tổng thống Trump công bố ngay lập tức tạo ra cơn chấn động kinh tế toàn cầu, khiến các thị trường tài chính phản ứng mạnh mẽ với chỉ số S&P 500 giảm 4,8% ngay trong ngày đầu, trong khi chỉ số VN-Index cũng giảm 6,68%.

Mức thuế 46% nếu được áp lên hàng hóa Việt Nam sẽ đặt ra thách thức đặc biệt nghiêm trọng, khiến tình trạng "bị kẹt ở giữa" của Việt Nam, mà hai nghiên cứu viên Đại học RMIT là Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên và Tiến sĩ Santiago Velasquez đã mô tả trong một bài báo gần đây trên tạp chí khoa học Journal of World Business, càng thể hiện rõ.

Dòng chảy địa chính trị đang chi phối tình hình

Mặc dù chính quyền ông Trump gọi mức thuế quan là "có đi có lại" và nhắm vào hầu hết các đối tác thương mại, nhưng động thái này được nhiều nhà phân tích quốc tế diễn giải là một phần của chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn mà Mỹ đang thực hiện, với mục tiêu chính là Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học RMIT Việt Nam, phương pháp tính toán mức thuế cho từng nền kinh tế cũng thu hút sự chú ý vì tính chất phi truyền thống, khi chỉ dựa vào thâm hụt thương mại song phương mà không xác định rõ mức thuế quan hoặc rào cản phi thuế quan thực tế mà các nước đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ.

Ông nhận xét: “Động thái áp thuế đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ không đơn thuần là quyết định kinh tế mà có thể được coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ, có khả năng nhằm định hình lại ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia này”.

“Việt Nam và các nước khác đang phải đối mặt với hậu quả của những dòng chảy địa chính trị to lớn khiến họ phải đánh giá lại vị thế của mình so với cả hai cường quốc – Mỹ và Trung Quốc”, ông nói.

bản đồ thế giới Đằng sau thuế quan mà Mỹ mới công bố là những căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn. (Hình: Pexels)

Nguy cơ với Việt Nam: Hệ quả của thành công

Tại sao Việt Nam lại phải đối mặt với mức thuế cao như vậy? Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên cho biết: “Thật trớ trêu khi một phần là do Việt Nam đã đạt được thành công ấn tượng về kinh tế và đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đầy biến động”.

Doanh nghiệp quốc tế đa dạng hóa sản xuất, khiến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng và thúc đẩy tăng trưởng thương mại đáng kể, đặc biệt là với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thành công này tiếp tục với việc Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,98 tỉ đô la Mỹ trong quý I năm 2025, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn giải ngân tăng 7,2% lên 4,96 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, thành công này cũng khiến Việt Nam dễ bị chĩa mùi dùi vào. Kể từ khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2018, với việc đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong hoạt động thương mại với Mỹ, giới chức nước này đã vài lần đưa Việt Nam vào tầm ngắm.

Tiến sĩ Velasquez nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam đã chủ động giải quyết những quan ngại của Mỹ về cán cân thương mại ngay cả trước khi Mỹ công bố áp thuế gần đây.

Trong đó phải kể đến những nỗ lực ngoại giao cấp cao và các động thái chính sách cụ thể như đơn phương cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm quan trọng của Mỹ chỉ vài ngày trước đó.

"Việc Mỹ vẫn công bố mức thuế cao dẫu Việt Nam đã có những hành động như vậy cho thấy, vấn đề cốt lõi không gói gọn trong hoạt động thương mại song phương và có thể phản ánh nguyên nhân sâu xa hơn là căng thẳng địa chính trị sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc", Tiến sĩ Velasquez nhận định.

Các lựa chọn chiến lược trong tương lai

Sau cú sốc tức thời, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi bình tĩnh và bản lĩnh khi ứng phó. Các nhà phân tích hiện đang đưa ra đề xuất tập trung vào một số giải pháp chính.

Đầu tiên, đối thoại đang và sẽ tiếp tục là nhiệm vụ tối quan trọng. Chính Tổng thống Trump đã gợi mở khả năng có thể giảm thuế nếu các quốc gia khác đưa ra đề xuất gì đó "phi thường" cho nước Mỹ, cho thấy vẫn còn cơ hội để đàm phán. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào ngày 4/4/2025, và Việt Nam đang cử các phái đoàn cấp cao sang Mỹ để tiếp tục những cuộc đối thoại quan trọng này.

Thứ hai, đối thoại phải đi kèm với sự thận trọng, không áp thuế đối ứng ngay lập tức. Đối mặt với những áp lực tương tự về thuế quan, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum gần đây đã tuyên bố không ủng hộ cách tiếp cận "ăn miếng trả miếng" và nhấn mạnh cần tiếp tục đối thoại song song với các biện pháp cần thiết để tăng cường nền kinh tế trong nước. Điều này phù hợp với quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế rằng chiến tranh thương mại thường sẽ gây hại cho tất cả các bên nếu leo thang.

Thứ ba, như nghiên cứu do Tiến sĩ Quyên và Tiến sĩ Velasquez là đồng tác giả đã chỉ ra, việc tăng cường khả năng chống đỡ thông qua đa dạng hóa thị trường hiện quan trọng hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh nỗ lực khai thác các thị trường thay thế, tận dụng mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác tại EU, châu Á-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Cuối cùng, phối hợp hành động giữa các bên liên quan vẫn là điều cần thiết. Đây là một yếu tố thành công quan trọng được nêu bật trong nghiên cứu của Tiến sĩ Quyên và Tiến sĩ Velasquez. Hợp tác giữa các bộ ngành chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp là cần thiết để đàm phán hiệu quả và hỗ trợ thích ứng.

Tiến sĩ Santiago Velasquez (trái) và Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên (phải) Tiến sĩ Santiago Velasquez (trái) và Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên (phải) đến từ Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. (Hình: RMIT)

Tầm quan trọng lâu dài của khả năng phục hồi

Việt Nam một lần nữa đang phải giải quyết tình huống phức tạp của việc "bị kẹt ở giữa". Thuế quan mới của Mỹ đặt ra một thách thức kinh tế vô cùng to lớn, nhưng các nhà phân tích cũng đồng ý rằng tuyên bố cởi mở với đàm phán của Tổng thống Trump là một cơ hội quan trọng.

Tiến sĩ Quyên cho rằng con đường phía trước có thể cần tới cách tiếp cận chiến lược đa chiều: đối thoại bền bỉ và khéo léo; đa dạng hóa nhanh chóng các thị trường xuất khẩu; tiếp tục củng cố nền kinh tế nội địa thông qua các cải cách trong nước; và phát huy khả năng phục hồi mang ý nghĩa chiến lược mà Việt Nam đã thể hiện trong những giai đoạn khó khăn trước đây.

Bà Quyên nói thêm: “Bằng cách ứng phó với giai đoạn này một cách chiến lược, Việt Nam có thể giảm thiểu tác động trước mắt và củng cố vị thế năng động của mình trong nền kinh tế toàn cầu”.

Tiến sĩ Velasquez nhấn mạnh rằng muốn quản lý hoạt động thành công trong bối cảnh toàn cầu biến động, các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp phải phát triển tư duy quốc tế mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược. Ông cho biết việc học cách xoay chuyển trong các cú sốc như thuế quan gần đây là một những kỹ năng quan trọng được giảng dạy trong chương trình Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế (MIB) và chuyên ngành Kinh doanh toàn cầu tại Đại học RMIT.

---

Hình đại diện: Who is Danny – stock.adobe.com | Hình đầu trang: tomertu – stock.adobe.com

Tin tức liên quan