Tại sao các thương hiệu nên bắt kịp làn sóng du lịch vũ trụ?

Tại sao các thương hiệu nên bắt kịp làn sóng du lịch vũ trụ?

Tiến sĩ Alrence Halibas, nghiên cứu viên ngành Digital Marketing tại RMIT Việt Nam, lý giải vì sao các thương hiệu nên nhìn nhận du lịch vũ trụ không phải là khoa học viễn tưởng, mà là bệ phóng cho các chiến dịch marketing, đặc biệt khi muốn tiếp cận thế hệ Gen Z Việt Nam.

Đầu tuần này, nữ ca sĩ Katy Perry chính thức trở thành khách du lịch vũ trụ. Cô tham gia chuyến bay lịch sử của Blue Origin cùng năm người phụ nữ khác, trong đó có doanh nhân Aisha Bowe, nhà báo Lauren Sánchez và nhà hoạt động dân quyền Amanda Nguyễn – người ghi dấu ấn lịch sử khi trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

Chuyến tàu bay lên rìa vũ trụ, mang lại cho hành khách cơ hội ngắm nhìn Trái Đất từ xa và trải nghiệm không trọng lực trong thời gian ngắn – và phải nói một cách công bằng rằng đây có lẽ là màn chụp ảnh đắt đỏ nhất thế giới! Khác với các chuyến thám hiểm khoa học trước đây, mục tiêu lần này không phải là nghiên cứu, mà là du lịch, phô diễn và tạo dấu ấn mang tính biểu tượng.

Chuyến đi này không đơn thuần là tin tức giải trí. Nó là một ví dụ điển hình về cách sử dụng vũ trụ như một sân khấu trình diễn và sử dụng màn trình diễn đó như một chiến lược marketing. Nó đặt ra câu hỏi lớn cho các thương hiệu: Làm thế nào để tham gia các cuộc thảo luận lan truyền mạnh mẽ trên mạng? Tại Việt Nam – nơi Gen Z sinh ra trong thời đại số, kết nối toàn cầu và cực kỳ nhạy bén với hình ảnh – câu hỏi này càng thêm cấp thiết.

Tiến sĩ Alrence Halibas Tiến sĩ Alrence Halibas, Phó chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh doanh sáng tạo, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Amanda Nguyễn không chỉ đại diện cho người Việt bay vào vũ trụ – cô còn mang theo dấu ấn của dân tộc. Hợp tác với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cô đã mang theo 169 hạt giống sen, loài hoa biểu tượng của Việt Nam đại diện cho sự thuần khiết và kiên cường. Khi trở về Trái Đất, những hạt giống này sẽ được nghiên cứu để hiểu tác động của môi trường ngoài vũ trụ đối với sự phát triển của thực vật, một sự giao thoa đầy thi vị giữa văn hóa, khoa học và bản sắc.

Trên mạng xã hội Việt Nam, hành trình của Amanda nhanh chóng trở thành câu chuyện được quan tâm rộng rãi. Nó khơi dậy thảo luận về tính đại diện, khát vọng vươn xa và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, nó cũng mang đến một bản thiết kế tinh tế cho các thương hiệu: vũ trụ không chỉ là chuyện phóng tên lửa, mà là chuyện ai bắt kịp được nhịp đập của thời đại.

Sự bùng nổ truyền thông gần đây cho thấy du lịch vũ trụ không còn là một ngành ngách. Nó là mỏ vàng nội dung và thực tế đã có một số thương hiệu toàn cầu nhập cuộc từ trước:

  • Hãng thời trang cao cấp Tây Ban Nha Balenciaga ra mắt các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ du hành vũ trụ từ năm 2021.
  • Hãng đồng hồ Thụy Sĩ Omega vẫn khai thác danh tiếng là “đồng hồ được đeo trên Mặt Trăng”.
  • Pepsi từng cân nhắc tài trợ vệ tinh để quảng cáo trên bầu trời đêm.

Đối với các thương hiệu Việt Nam, cơ hội không nằm ở việc phóng vệ tinh mà ở việc khởi động những ý tưởng táo bạo. Đây không phải là chiêu trò marketing mà là cách xây dựng bản sắc thương hiệu gắn liền với hoài bão con người, công nghệ và sự đồng điệu về cảm xúc.

Gen Z Việt Nam không chỉ tiếp nhận văn hóa mà còn biến tấu nó. Họ thành thạo “meme” và các chu kỳ của xu hướng, cũng như hiểu về những khoảnh khắc biểu tượng. Với họ, Amanda Nguyễn không chỉ là một nhà du hành vũ trụ – cô là biểu tượng của khả năng mà họ có thể chạm tới. Một phụ nữ Việt Nam bay vào vũ trụ, xuất hiện trên các bản tin toàn cầu cùng một ngôi sao nhạc pop, chính là loại câu chuyện có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Các thương hiệu Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để phát động chiến dịch ở địa phương nhưng có khả năng vang vọng toàn cầu. Nếu coi vũ trụ là “cơn sốt” marketing tiếp theo, thương hiệu sẽ làm gì để hòa mình vào quỹ đạo đó?

Bài: Tiến sĩ Alrence Halibas, Phó chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh doanh sáng tạo, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Tin tức liên quan