Chương trình đào tạo an ninh của RMIT tạo tác động ở châu Á-Thái Bình Dương

Chương trình đào tạo an ninh của RMIT tạo tác động ở châu Á-Thái Bình Dương

Năm nay, các chương trình Đào tạo An ninh xuyên quốc gia của RMIT kỷ niệm 20 năm tạo dấu ấn mạnh mẽ tại châu Á - Thái Bình Dương, góp phần chống tội phạm xuyên quốc gia, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan và phát triển nghề nghiệp.

Các chương trình của Trung tâm An ninh xuyên quốc gia (TST) – do Đại học RMIT triển khai với sự hợp tác của Cảnh sát Liên bang Australia, Bộ Nội vụ Australia và Lực lượng Biên phòng Australia – đã đào tạo hơn 2.300 học viên từ hơn 60 quốc gia trong 100 chương trình.

Các hoạt động của Trung tâm cung cấp một giải pháp phối hợp nhằm ứng phó với tội phạm xuyên quốc gia và các mối đe dọa an ninh biên giới, thông qua một loạt các chương trình dành cho cán bộ thực thi pháp luật, cảnh sát, cán bộ xuất nhập cảnh, cán bộ biên phòng và cán bộ hải quan đến từ nhiều quốc gia.

Để kỷ niệm cột mốc 20 năm, chúng tôi chia sẻ trải nghiệm của ba cựu học viên đến từ ba chương trình TST riêng biệt, đại diện cho các đơn vị thực thi pháp luật cốt lõi gồm cảnh sát, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và hải quan.

Ông Chhay Bunrummanith (trái), bà Akosita Valamalua (góc phải trên), ông Andro Eka Putra (góc phải dưới) Ông Chhay Bunrummanith (trái), bà Akosita Valamalua (góc phải trên), ông Andro Eka Putra (góc phải dưới)

“Chương trình đã tác động rất lớn đến sự nghiệp của tôi”, ông Chhay Bunrummanith, Trung tá Cảnh sát Quốc gia Campuchia và cựu học viên Chương trình Quản lý thực thi luật pháp khu vực châu Á (ARLEMP), cho biết.

ARLEMP ra đời vào năm 2005 và có nền tảng là quan hệ đối tác lâu dài giữa Cảnh sát Liên bang Australia, Bộ Công an Việt Nam và Đại học RMIT.

“Chương trình ARLEMP đã mang đến cơ hội to lớn để tôi khám phá nhiều kỹ năng cảnh sát khác nhau và các xu hướng tội phạm xuyên quốc gia mới nổi – cho phép tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng chống buôn bán ma túy, tội phạm mạng, khủng bố và buôn người”.

“RMIT là một trong những tổ chức giáo dục hàng đầu tại Australia. Được tham gia chương trình ARLEMP là một vinh dự lớn và tôi cảm thấy rất cảm kích”, ông Chhay nói.

Nói về kết quả của ARLEMP, ông Chhay cho biết: “Chúng tôi không thể đơn độc chống lại tội phạm xuyên quốc gia mà cần hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật khác”.

“Điều đáng quý ở ARLEMP là cơ hội giao lưu kết nối. Điều này cho phép chúng tôi cùng nhau chống lại tội phạm”.

“Cảnh sát Liên bang Australia và Đại học RMIT tập hợp học viên từ các quốc gia khác nhau trong cùng một căn phòng để chúng tôi chia sẻ những cách làm hay và những thách thức đang gặp phải”.

Chhay Bunrummanith (hàng trước, ở giữa) cùng đồng nghiệp từ mạng lưới ARLEMP khóa 54 tại Hà Nội. Ông Chhay Bunrummanith (hàng trước, ở giữa) cùng đồng nghiệp từ mạng lưới ARLEMP khóa 54 tại Hà Nội.

Akosita Valamalua là cán bộ hải quan Fiji, người đầu tiên đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương được bổ nhiệm vào Tổ chức Hải quan Thế giới tại Bỉ sau khi tham gia Chương trình Phát triển chuyên môn cho phụ nữ thuộc Chương trình Kiểm soát Container (CCP-WPDP). CCP-WPDP được triển khai dựa trên quan hệ đối tác giữa Lực lượng Biên phòng Australia, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Đại học RMIT.

Bà Akosita cho biết: “Chương trình đã giúp tôi tự tin hơn vào khả năng của mình, cũng như mở rộng mạng lưới kết nối”.

“Một trong những điều giá trị mà tôi học được là không có cây đũa thần nào giúp tôi sẵn sàng cho tương lai. Chỉ cần đi từng bước nhỏ theo đúng hướng là đủ. Chương trình đã trang bị cho chúng tôi những công cụ học tập phù hợp giúp định hướng tương lai rõ ràng”.

“Tôi muốn cảm ơn Lực lượng Biên phòng Australia RMIT vì cơ hội tuyệt vời mà tôi đã nhận được. Ngay sau khi hoàn thành chương trình CCP-WPDP, RMIT đã mời tôi tham gia nghiên cứu và làm đồng tác giả hai bài báo khoa học được xuất bản trên Tạp chí Hải quan Thế giới”.

“Hiện nay, tôi mang trọng trách trao quyền cho các nhân viên hải quan trên toàn thế giới để nâng cao năng lực quản lý thương mại toàn cầu và ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp”.

Bà Akosita Valamalua (hàng trước, ở giữa) đào tạo nâng cao về quản trị rủi ro ở Dhaka, Bangladesh. Bà Akosita Valamalua (hàng trước, ở giữa) đào tạo nâng cao về quản trị rủi ro ở Dhaka, Bangladesh.

Ông Andro Eka Putra làm việc tại Tổng cục Xuất nhập cảnh Indonesia và đã tham gia Chương trình Quản lý dành cho các Cơ quan Kiểm soát Biên giới (BCAMP). BCAMP được triển khai thông qua quan hệ đối tác giữa Bộ Nội vụ Australia, Bộ Công an Việt Nam và Đại học RMIT.

“BCAMP đã có tác động to lớn đến con đường phát triển sự nghiệp của tôi. Khi tham gia BCAMP vào năm 2014, tôi là Thượng úy và hiện nay tôi đã lên hàm Trung tá. BCAMP đã giúp tôi nhận ra tiềm năng lãnh đạo của mình”, ông Andro cho biết.Ông Andro đồng tình với quan điểm của ông Chhay và bà Akosita rằng mạng lưới xuyên biên giới là một khía cạnh quan trọng của những thành tựu mà chương trình TST của RMIT đã đạt được. Ông cho biết mình "vô cùng tự hào khi được trở thành một thành viên của RMIT" thông qua chương trình đào tạo.

“Hằng ngày, các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm giữ gìn an toàn cho biên giới và cộng đồng của các quốc gia”, ông Andro nói.

“Nhờ mạng lưới được hình thành thông qua BCAMP, cán bộ xuất nhập cảnh ở khắp châu Á - Thái Bình Dương đang tích cực kết nối để ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, nạn buôn bán người và các hình thức di chuyển người bất hợp pháp khác”.

Ông Andro Eka Putra đứng lớp ở Chương trình Quản lý dành cho các Cơ quan Kiểm soát Biên giới (BCAMP) lần thứ 32 tại Hà Nội. Ông Andro Eka Putra đứng lớp ở Chương trình Quản lý dành cho các Cơ quan Kiểm soát Biên giới (BCAMP) lần thứ 32 tại Hà Nội.

Trải nghiệm của ông Chhay, bà Akosita và ông Andro là minh chứng cho những lợi ích mà mỗi người trong số họ nhận được từ chương trình đào tạo, nhưng quan trọng hơn là thể hiện tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ cần thiết và tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Phù hợp với trọng tâm của Đại học RMIT là thúc đẩy hợp tác trong khu vực, nhà trường tự hào là đối tác lâu năm cung cấp chương trình đào tạo có tác động thực sự cho các chuyên gia an ninh quốc tế trên khắp khu vực.

Tìm hiểu thêm về Trung tâm An ninh xuyên quốc gia của Đại học RMIT tại đây.

Bài: Blair Morton

-----

Hình đầu trang: TechSolution – stock.adobe.com

25/04/2025

Chia sẻ

Tin tức liên quan