Ngành du lịch toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ có một năm 2024 đáng nhớ, với số lượt khách quốc tế và chi tiêu dự kiến sẽ tăng vượt mức trước đại dịch. Ngành du lịch Việt Nam cũng đang hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2024, một phần là nhờ chính sách thị thực thuận lợi hơn, thể hiện rõ rệt ở lượng khách quốc tế đến tăng đáng kể. Sự phục hồi ấn tượng này mang đến cơ hội chín muồi để Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á, và AI sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này.
Tiềm năng đẩy mạnh sử dụng AI ở Việt Nam liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng hoàn thiện của đất nước, cũng như năng lực kỹ thuật số và tỉ lệ áp dụng công nghệ số ngày càng cao của người dân. Theo Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 5/2024, Việt Nam xếp hạng 57 trong số 119 quốc gia về mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), bao hàm tỉ lệ được trang bị và tỉ lệ sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các dịch vụ kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy AI đã được triển khai hiệu quả trong một số lĩnh vực chính của ngành du lịch Việt Nam, điển hình là:
1. Dự báo nhu cầu: Thuật toán AI được sử dụng để dự báo nhu cầu du lịch bằng cách phân tích dữ liệu và xu hướng trong quá khứ. Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa hoạt động, quản lý hiệu quả nguồn lực và điều chỉnh chiến lược marketing để đón đầu biến động về lượng du khách đến.
2. Du lịch thông minh: Dưới phạm trù chung là du lịch thông minh, các công nghệ AI được tích hợp vào nhiều khía cạnh khác nhau của trải nghiệm du lịch để tăng cường tính tiện lợi và cá nhân hóa. AI có giúp đặt chỗ nhanh hơn, làm hướng dẫn viên du lịch ảo, tăng cường an toàn khi đi du lịch, hay hỗ trợ các hệ thống thông tin tương tác nhằm cải thiện trải nghiệm du lịch nói chung. Các công cụ sử dụng AI cũng có thể giúp quản lý quan hệ khách hàng, làm thủ tục nhận phòng tự động và cá nhân hóa các thông điệp marketing, dẫn đến hiệu quả và kết nối khách hàng được cải thiện.
3. Đề xuất cho du khách (ví dụ: chatbot): Các chatbot và hệ thống khuyến nghị sử dụng AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các gợi ý được cá nhân hóa cho khách du lịch. Các hệ thống này phân tích sở thích và hành vi của người dùng để cung cấp hành trình, lựa chọn ăn uống và hoạt động được thiết kế riêng, từ đó nâng cao sự hài lòng của du khách.
4. Phân tích dư luận (bao gồm truyền thông báo chí): AI được sử dụng để thực hiện phân tích dư luận dựa trên các đánh giá của khách hàng, bài đăng trên mạng xã hội và tin bài báo chí. Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch đánh giá được cảm nhận của công chúng, xác định những lĩnh vực cần cải thiện, tăng cường nỗ lực marketing và điều chỉnh dịch vụ cho phù hợp với kỳ vọng của khách hàng.
Mặc dù những ví dụ trên nêu bật sự thâm nhập đầy hứa hẹn của AI vào ngành du lịch Việt Nam, nhưng ngành này đang đứng trước chuyển đổi sâu sắc hơn xuất phát từ những thách thức căn cơ, bao gồm tình trạng thiếu hụt nhân sự có trình độ.
Giới chuyên gia thường xuyên nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao kỹ năng và đào tạo lại trong ngành du lịch và khách sạn, đặc biệt trong thời kỳ hậu COVID. Một nghiên cứu gần đây đã nêu bật khoảng cách giữa cung và cầu: mặc dù mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp về du lịch, lữ hành và khách sạn, nhưng ngành này lại cần tối thiểu 40.000 nhân sự được đào tạo mỗi năm. Sự thiếu hụt này thường dẫn đến chất lượng dịch vụ không đồng đều, cản trở nỗ lực tăng tỉ lệ du khách quay lại Việt Nam.
AI là công cụ mạnh để giúp giải quyết thách thức về nguồn nhân lực. Bằng cách tự động hóa các tác vụ và tối ưu hóa hoạt động, AI có thể giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ nhân viên hiện tại và nâng cao chất lượng dịch vụ tổng thể. Hơn nữa, các chương trình đào tạo dựa trên AI có thể cung cấp trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng số cần thiết cho một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.
Áp dụng AI sẽ mở ra tiềm năng tăng trưởng bền vững và lợi thế cạnh tranh trên thị trường du lịch toàn cầu cho Việt Nam. Đầu tư chiến lược vào cả công nghệ AI và phát triển nguồn nhân lực sẽ rất quan trọng để dải đất hình chữ S đạt mục tiêu trở thành đầu tàu trong ngành du lịch toàn cầu.
Bài: Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro
Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam
Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn, EuroCham Việt Nam
Ảnh đầu trang: Summit Art Creations – stock.adobe.com | Ảnh đại diện: Goffkein – stock.adobe.com