Đây là phần hai trong loạt bài gồm ba phần về tác động của AI đối với ngành du lịch Việt Nam, do Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam biên soạn. Đọc bài viết đầu tiên tại đây.
Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, với lượng khách quốc tế gần bằng mức trước đại dịch. Tuy nhiên, một thách thức lớn vẫn hiện hữu: tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam vẫn ở mức thấp, dao động dưới 10%, trái ngược với các quốc gia như Malaysia và Thái Lan.
Hơn một phần tư (28%) du khách đã đến Thái Lan vào năm 2023 cho biết họ có ý định quay lại trong 12 tháng tới. Đối với khách du lịch văn hóa (phân khúc thị trường mà Việt Nam muốn thu hút), ý định quay lại thậm chí còn lớn hơn, ở mức 59,42%.
Nguyên nhân đằng sau sự chênh lệch này khá phức tạp. Chúng có thể bao gồm những yếu tố như sức hấp dẫn của các điểm đến, tính thuận tiện của hệ thống giao thông, tình hình đào tạo nguồn nhân lực, rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, chất lượng nơi lưu trú và tính khả dụng của cơ sở hạ tầng du lịch.
Trong số các yếu tố, có bốn lĩnh vực quan trọng mà AI có thể là một “trợ thủ đắc lực” giúp đối phó với những thách thức hiện tại. Đó là giải quyết rào cản ngôn ngữ, thu hẹp khoảng cách văn hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng tầm trải nghiệm của khách du lịch.
1. Vượt qua rào cản ngôn ngữ bằng dịch thuật hỗ trợ AI
Với hệ thống thanh điệu phức tạp, chữ viết độc đáo và ngữ pháp riêng biệt, tiếng Việt là một thách thức đối với hầu hết du khách quốc tế. Bên ngoài các trung tâm du lịch lớn, du khách có thể gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc điều hướng nếu không biết tiếng Việt. Rào cản ngôn ngữ này không chỉ gây khó khăn về giao tiếp mà còn dẫn đến hiểu lầm về văn hóa và khiến du khách không kết nối được với bản sắc địa phương.
Các công cụ dịch thuật AI tiên tiến có thể giảm đáng kể rào cản ngôn ngữ thông qua:
- Dịch máy bằng mạng nơ-ron nhân tạo theo thời gian thực: Sử dụng các mô hình học sâu, các hệ thống này có thể cung cấp bản dịch gần như tức thời, có nhận thức về ngữ cảnh giữa tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác. Công nghệ này có thể được tích hợp vào các ứng dụng di động, thiết bị đeo thông minh và thậm chí là kính thực tế tăng cường (AR), cho phép giao tiếp liền mạch trong nhiều bối cảnh khác nhau.
- Dịch đa phương thức: Các hệ thống AI kết hợp đầu vào hình ảnh và âm thanh có thể dịch không chỉ ngôn ngữ nói mà còn cả văn bản trên biển báo, thực đơn và tài liệu. Điều này giúp khách du lịch điều hướng và hiểu môi trường xung quanh hiệu quả hơn.
- Phát hiện sắc thái văn hóa: Các mô hình AI tiên tiến có thể được đào tạo để nhận dạng và giải thích các sắc thái văn hóa trong ngôn ngữ, giúp khách du lịch hiểu được ý nghĩa tinh tế, thành ngữ và cách diễn đạt phụ thuộc vào ngữ cảnh, vốn rất quan trọng để có sự gắn kết văn hóa sâu sắc hơn.
Một số công cụ AI này hiện đang được phát triển tại Việt Nam. Ví dụ, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển công nghệ dịch máy tiên tiến dựa trên AI, có thể dịch hai chiều từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Lào, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Malaysia, tiếng Indonesia cũng như tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam đã đào tạo thành công mô hình AI để nhận dạng ngay cả những khác biệt tinh tế nhất trong tiếng Việt, có tiềm năng lớn để ứng dụng trong ngành du lịch.