Tại SUGAR Việt Nam, Châu là trưởng nhóm Thiết kế, giúp tăng đáng kể tương tác trên mạng xã hội. Tài năng sáng tạo của cô gái trẻ còn vươn tầm ra các hoạt động thiết kế ấn phẩm cho những sáng kiến về sức khỏe tinh thần của CLB The Psychealer cũng như đóng góp cho chuỗi podcast về văn hóa của dự án Miracle au Vietnam. Kinh nghiệm phong phú cho thấy năng lực của cô gái trẻ trong việc hòa quyện chất sáng tạo với năng lực lãnh đạo và trách nhiệm xã hội trên nhiều kênh truyền thông khác nhau.
Trong những năm học tại trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Châu không chỉ duy trì được điểm số xuất sắc mà còn tích cực đưa tài năng sáng tạo sắc nét của mình vào các hoạt động đem lại lợi ích cho xã hội.
Cô Trần Thị Cẩm Vân, giáo viên Văn thời trung học của Châu không bất ngờ với thành công của cô học trò cũ. Cô chia sẻ rằng Châu có năng lực nhìn xa hơn những câu từ trên trang giấy và diễn giải các chủ đề xã hội phức tạp trong văn chương thành những ý tưởng hành động thực tế.
Tầm nhìn của Châu trong việc xây dựng một trung tâm đào tạo là hoài bão mà cô gái trẻ đã bắt tay vào bồi đắp. Trong thời gian thực tập tại MiYork Education, doanh nghiệp xã hội chuyên về tư vấn giáo dục, Châu đã tạo ấn tượng với Giám đốc điều hành bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết nhờ ý thức rõ ràng về mục tiêu của mình.
“Dù còn trẻ, Châu đã cho thấy sự chín chắn và có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng. Đây là điều hiếm thấy ở các bạn đồng trang lứa với cô”, bà Tuyết nói.
“Châu thường trao đổi với tôi về khát vọng của em, hỏi xin lời khuyên về hoạt động quản lý và lãnh đạo để có thể vươn tới thành công sau này. Chọn thực tập tại MiYork thay vì một công ty sáng tạo, Châu chọn không chỉ học về thiết kế đồ họa mà còn về tư duy kinh doanh, điều đóng vai trò quan trọng cho định hướng tương lai của em ấy”.
Chính thành tích học tập xuất sắc và ý thức xã hội của cô gái trẻ đã thu hút được sự chú ý của Đại học RMIT Việt Nam. Lời kêu gọi các ứng viên mong muốn kiến tạo tác động thông qua việc học của Đại học RMIT trong chương trình học bổng năm nay đã thể hiện sâu sắc qua hoài bão của Châu.
“Khi đọc về cam kết của Đại học RMIT trong việc bồi dưỡng những lãnh đạo tương lai kiến tạo ảnh hưởng và thúc đẩy hòa nhập xã hội, em cảm thấy như nhà trường đang trực tiếp nói với em vậy”, Châu chia sẻ.
“Em ước mơ mở một trung tâm đào tạo cho trẻ tự kỷ và khiếm thính, dùng nghệ thuật thị giác làm công cụ giảng dạy. Ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo của RMIT dường như là bước tiếp theo hoàn hảo để em có thể biến ước mơ này thành hiện thực”.