Trong tương lai, Tiến sĩ Buertey dự đoán báo cáo bền vững trong các tổ chức Việt sẽ hướng tới chuẩn hóa và toàn diện hơn.
Khi nhận thức của nhà đầu tư về những yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tăng lên, các công ty sẽ áp dụng những khung báo cáo minh bạch và có thể so sánh hơn. Thay đổi này có thể đến từ cả áp lực pháp lý và nhu cầu thị trường, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư toàn cầu đưa các chỉ số bền vững vào tiêu chí đầu tư của họ.
Tiến sĩ Buertey cho biết: “Chúng tôi cũng hy vọng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển báo cáo bền vững, với tiến bộ trong phân tích dữ liệu cho phép công ty theo dõi và báo cáo hiệu suất ESG của họ chính xác hơn”.
Ngoài ra, khi người tiêu dùng ngày càng ưu ái ủng hộ các thương hiệu có đạo đức và bền vững, doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu dùng báo cáo bền vững không chỉ như một công cụ tuân thủ mà còn là một lợi thế cạnh tranh để tạo sự khác biệt ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ông cũng tin rằng xu hướng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến mặt bằng đầu tư của Việt Nam nhờ thu hút nhiều nhà đầu tư có ý thức bền vững hơn.
Gợi ý đề xuất chính sách
Tiến sĩ Ramsawak nhấn mạnh: “Từ góc độ chính sách, các nhà tổ chức SRA nên đảm bảo rằng giải thưởng tiếp tục phù hợp với những tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của nhà đầu tư”.
“Điều đó sẽ rất cần thiết để duy trì các tác động dài hạn trên thị trường và khuyến khích nhiều công ty áp dụng các thực hành bền vững”.
Tiến sĩ Buertey cho biết: “Để tăng cường hơn nữa vai trò của báo cáo bền vững trên thị trường tài chính Việt Nam, các cơ quan quản lý có thể đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và nghiêm ngặt hơn về những tiêu chuẩn báo cáo bền vững, đảm bảo tính nhất quán và khả năng so sánh giữa các ngành”.
Điều này sẽ đem đến cho nhà đầu tư dữ liệu đáng tin cậy hơn để đánh giá giá trị dài hạn của công ty.
Theo Tiến sĩ Buertey, việc thúc đẩy thành lập các ủy ban bền vững trong cấu trúc quản trị doanh nghiệp cũng có thể đảm bảo rằng tính bền vững được xem là một ưu tiên chiến lược ở cấp hội đồng quản trị.
“Nhìn chung, các chính sách này sẽ thúc đẩy môi trường đầu tư bền vững và minh bạch hơn, với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, Tiến sĩ Buertey nói.
Tiến sĩ Bình kết luận: “Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, và các nhà đầu tư tại Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của báo cáo bền vững”.
“Khi cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều nhận ra giá trị lâu dài của hoạt động kinh doanh bền vững, cân nhắc về ESG sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh đầu tư tại Việt Nam”.
Bài: Thùy Dung