Tại sao chúng ta vẫn duy trì những thói quen có hại?
Thạc sĩ Vũ Bích Phượng cho biết, một thói quen chung tại Việt Nam nên sớm được thay đổi là phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân.
Xe cá nhân mang lại lợi ích tức thời như tốc độ, sự tiện lợi và không mất thời gian chờ đợi, mà con người thì thường ưu tiên thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn hơn là lợi ích dài hạn. Việc giải quyết nhu cầu ngắn hạn như vậy mang lại cảm giác thỏa mãn ngay lập tức cho bộ não con người, và cũng là điểm khởi đầu của các thói quen xấu: một khi cảm thấy hài lòng, chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại hành vi đó, cho đến khi nó trở nên tự động và không cần nhiều chủ ý nữa.
Do đó, “con người thường tối ưu hóa việc đạt được kết quả ngay lập tức, mặc dù trì hoãn sự thỏa mãn thực ra sẽ tốt hơn cho chúng ta”, Tiến sĩ Phillips giải thích.
Não bộ con người có cơ chế hình thành các thói quen để xử lý thông tin nhanh gọn hơn. Thạc sĩ Phượng diễn giải: “Thói quen giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng cho não bằng cách tự động hóa các quyết định. Ngược lại, tiến trình suy nghĩ và lập kế hoạch có ý thức, chẳng hạn như chọn xe buýt thay vì xe máy, xảy ra ở vỏ não trước trán, một vùng não tiến hóa hơn ở con người nhưng cũng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn”.
Dần dần, khi một hành vi được lặp đi lặp lại, bộ não sẽ học cách tạo ra “lối tắt” để chuyển việc ra quyết định từ vỏ não trước trán (nơi cần tiêu thụ nhiều năng lượng) sang thể vân lưng (trung tâm thói quen của não). Phá vỡ vòng lặp này là rất khó nhưng vẫn có thể thực hiện được.
Thay đổi thói quen đòi hỏi nhiều hơn là ý chí
Nghiên cứu cho thấy việc thay đổi một hành vi quen thuộc cần nhiều hơn hướng tiếp cận đơn lẻ; nó đòi hỏi một chiến lược toàn diện và bao hàm nhiều cấp độ để cân nhắc toàn bộ bối cảnh mà hành vi đó xảy ra. Theo Thạc sĩ Phượng, các biện pháp can thiệp ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia cần được đồng thời triển khai. Ở cấp độ cá nhân, các lý thuyết hành vi cổ điển trong tâm lý học có thể được sử dụng để phá vỡ thói quen cũ. Mặc dù các lối tắt dễ dàng được hình thành trong não, chúng không phải là bất biến - ta có thể "đập đi xây lại" hành vi thông qua các cơ chế tương tự để thúc đẩy thói quen mới.