Dù có rủi ro nhưng công nghệ hạt nhân có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam nếu được quản lý tốt. Không giống như những nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt tự nhiên, các nhà máy điện hạt nhân sản xuất điện mà không thải ra khí nhà kính trong quá trình vận hành. Điều này khiến đây là một lựa chọn năng lượng ít phát thải carbon.
Điện hạt nhân có lợi thế hơn các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió, vốn rất quan trọng để giảm phát thải nhưng lại không đảm bảo cung ứng liên tục do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Ngành thủy điện, hiện chiếm khoảng 30% sản lượng điện tại Việt Nam, cũng ngày càng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán và lượng mưa thay đổi. Điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn điện phụ tải nền ổn định và đáng tin cậy, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định khi các nguồn tái tạo khác không tạo ra đủ điện.
Việt Nam đối mặt với những thách thức chính gì khi phát triển điện hạt nhân?
Một trong những rào cản chính đối với việc triển khai điện hạt nhân tại Việt Nam là tính khả thi về mặt kinh tế. Các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu rất lớn và Chính phủ phải đánh giá xem có đủ khả năng chi trả hay không song song với việc cân đối ngân sách.
Các vấn đề về an toàn và môi trường cũng rất quan trọng. Nhận thức của công chúng về tính an toàn của điện hạt nhân vẫn là một thách thức, đặc biệt là sau thảm họa năm 2011 tại Fukushima, Nhật Bản. Việt Nam sẽ cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế nghiêm ngặt nếu quyết định tiến hành các dự án hạt nhân.
Việc truyền thông thường xuyên và minh bạch với công chúng về các dự án hạt nhân, các biện pháp an toàn và rủi ro tiềm ẩn là điều cần thiết. Đảm bảo rằng công chúng có thể tiếp cận các kết quả đánh giá và báo cáo độc lập về tính an toàn của các dự án cũng có thể nâng cao trách nhiệm giải trình và lòng tin.
Việt Nam có thể cân nhắc các công nghệ mới nổi như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng hạt nhân thế hệ 4, an toàn hơn và hiệu quả hơn so với các lò phản ứng truyền thống. SMR có thể phù hợp với Việt Nam vì chúng đòi hỏi ít vốn đầu tư hơn và linh hoạt hơn trong quá trình triển khai.
Theo thông tin trên báo chí, Bộ Công thương đã đề cập đến khả năng sử dụng lò phản ứng mô-đun nhỏ trong đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Lò phản ứng mô-đun nhỏ với công suất khoảng 300 megawatt (khoảng 1/3 so với lò phản ứng hạt nhân truyền thống) là một lựa chọn hấp dẫn do thời gian xây dựng ngắn hơn, chỉ từ 24 đến 36 tháng.