Gác lại sự nghiệp cá nhân đầy triển vọng tại các tập đoàn tên tuổi như PwC và Nestlé, chị quyết định quay về kế nghiệp gia đình. Kỹ năng và hiểu biết tích lũy được từ ngày đi học tại RMIT đã giúp chị đủ cứng cáp sáng lập nên Rabity và mở ra hướng đi độc đáo cho doanh nghiệp gia đình chị.
Nhận ra lỗ hổng trên thị trường quần áo trẻ em với giá cả phải chăng kèm chất lượng và thẩm mỹ cao, Hạnh nhanh chóng bắt tay vào hành động để đáp ứng nhu cầu này. Bản chất cạnh tranh của ngành thời trang, đặc biệt là phân khúc quần áo trẻ em, tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp chị. Tuy nhiên, với những kỹ năng và phẩm chất được rèn giũa tại RMIT, Hạnh đã từng bước vượt qua thách thức và đưa Rabity trở thành lựa chọn hàng đầu đối với khách hàng khi tìm kiếm quần áo trẻ em tại Việt Nam.
“Muốn thắng cuộc chơi, hãy là người trong cuộc”
Hạnh không chỉ chú trọng đến sản phẩm mà còn ưu tiên con người như một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh của mình. Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, chị hiểu rằng tư duy đổi mới và khả năng thích ứng là chìa khóa để tồn tại trên thị trường ngày nay khi đối tượng khách hàng mục tiêu ngày càng trẻ hơn, có đời sống phong phú và dùng công nghệ rất nhiều. Công nghệ và dữ liệu cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành bán lẻ. Thêm vào đó, Hạnh còn đề cao tính bền vững trong ngành thời trang, sử dụng nguyên liệu hữu cơ trong sản xuất mà vẫn đảm bảo giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.
Hiện tại, Rabity bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua mô hình nhượng quyền, thiết lập mạng lưới cửa hàng tại Campuchia. Điều này thể hiện tư duy đổi mới sáng tạo và tầm nhìn của người sáng lập, đồng thời cũng biểu thị tư duy toàn cầu mà RMIT muốn gieo vào các thế hệ sinh viên mà trường đào tạo. Với Hạnh và Rabity, thành tựu này đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình đòi hỏi sự bền bỉ và kiên định.
Rabity hiện có 50 cửa hàng trên khắp Việt Nam và hai ở Campuchia. Phần lớn trong số đó được đặt tại các trung tâm thương mại lớn.