Doanh nghiệp Việt trong nhiệm kỳ Trump 2.0: Thách thức thương mại và công nghệ

Doanh nghiệp Việt trong nhiệm kỳ Trump 2.0: Thách thức thương mại và công nghệ

Nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump hứa hẹn mang đến biến động lớn về thương mại và công nghệ, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phát triển.

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, với cam kết "Nước Mỹ trên hết" và các chính sách bảo hộ mạnh mẽ, sẽ không chỉ tái định hình thương mại toàn cầu mà còn tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực công nghệ. Những tác động này đặt doanh nghiệp Việt Nam trước cả cơ hội lẫn thách thức.

chữ T, A, X trên bàn giấy Chính sách thuế quan mới của Trump có thể tạo ra thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia từ Đại học RMIT Việt Nam đã đưa ra những phân tích chuyên sâu nhằm giúp doanh nghiệp Việt vững vàng định hướng trong giai đoạn nhiều biến động này.

Biến động từ thương mại, tỷ giá và tiền điện tử

Một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là biến động từ tỷ giá USD/VND. Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh, giảng viên Khoa Kinh doanh, các chính sách kinh tế nội địa của ông Trump, như tăng cường sản xuất và giảm nhập khẩu, có thể thúc đẩy đồng USD tăng giá mạnh. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, làm giảm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

máy tính và tiền đô la Biến động tỷ giá USD/VND có thể gia tăng áp lực chi phí nhập khẩu và xuất khẩu.

Bên cạnh thương mại, tiền điện tử cũng nổi lên như một lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ chính quyền Trump. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, các chính sách mới có thể tạo môi trường thuận lợi hơn cho Bitcoin và các tài sản số khác thông qua kế hoạch miễn thuế lợi tức vốn và xây dựng kho dự trữ Bitcoin quốc gia. Tuy nhiên, trong khi Hoa Kỳ có thể trở thành trung tâm toàn cầu cho tiền điện tử, nhiều quốc gia khác vẫn giữ thái độ thận trọng, dẫn đến sự phân cực trên thị trường.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội tham gia lĩnh vực này là rõ ràng, đặc biệt với sự gia tăng nhu cầu sử dụng công nghệ blockchain và giao dịch số. Tuy nhiên, rủi ro từ sự biến động cao và các quy định pháp lý không đồng nhất giữa các thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh rơi vào những tình thế bất lợi trong môi trường kinh doanh toàn cầu đầy biến động.

Thách thức từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và công nghệ

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc được kích hoạt bởi các chính sách thuế quan của Trump mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Trà, chuyên gia kinh tế tại RMIT Việt Nam, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí lao động thấp và môi trường đầu tư cởi mở. Tuy nhiên, bà Trà nhấn mạnh rằng nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở vai trò gia công và lắp ráp đơn giản, giá trị gia tăng cho nền kinh tế sẽ rất thấp.

Tiến sĩ Scott McDonald từ ngành Quản lý Chuỗi cung ứng tại RMIT Việt Nam nhấn mạnh sự dịch chuyển chuỗi cung ứng không phải là một cơ hội tự nhiên mà doanh nghiệp có thể tận dụng dễ dàng. Cạnh tranh về giá không còn là lợi thế duy nhất – các doanh nghiệp cần phải hướng tới cạnh tranh dựa trên giá trị. Điều này đòi hỏi không chỉ cải tiến quy trình sản xuất mà còn xây dựng sự hiện diện trực tiếp tại thị trường Mỹ, như thông qua các văn phòng đại diện hoặc trung tâm phân phối. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu tư cao và các rủi ro từ chính sách biến động.

màn hình máy tinh Việt Nam có thể đối mặt với rào cản khi Mỹ hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh áp lực từ chuỗi cung ứng, công nghệ – một yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất – cũng chịu tác động nặng nề từ các chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ của Hoa Kỳ. Theo Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, giảng viên Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn thông tin và tự động hóa tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến bị giới hạn. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" ưu tiên sản xuất công nghệ trong nước, làm suy giảm khả năng chuyển giao công nghệ qua các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động quốc tế.

Ngoài ra, rủi ro còn nằm ở sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ từ Mỹ. Trong bối cảnh bị hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải tìm kiếm nguồn cung ứng công nghệ thay thế từ các quốc gia khác, điều này không chỉ tốn kém mà còn làm chậm tiến trình hiện đại hóa chuỗi cung ứng.

Linh hoạt trong ngắn hạn, sẵn sàng cho dài hạn

Các thách thức từ thương mại, công nghệ và tiền điện tử dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải hành động ngay lập tức. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc kiểm soát rủi ro tài chính, cải tiến chuỗi cung ứng và tối ưu hóa quản trị công nghệ là các bước cần thiết để đảm bảo sự ổn định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự chuẩn bị trước mắt chỉ là bước khởi đầu.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá các chiến lược dài hạn giúp doanh nghiệp Việt không chỉ vượt qua thách thức mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài: Quân Đinh H.

Tin tức liên quan