Hydro xanh: Bước nhảy vọt chiến lược hướng tới sự bền vững

Hydro xanh: Bước nhảy vọt chiến lược hướng tới sự bền vững

Hydro xanh có tiềm năng thay đổi cục diện ngành năng lượng Việt Nam và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Là một người ủng hộ thúc đẩy phát triển bền vững và năng lượng tái tạo, Tiến sĩ Majo George (giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT) cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ hydro xanh. Ông chia sẻ lý do tại sao trong cuộc phỏng vấn sau.

Hydro xanh là gì và vì sao gần đây lại được quan tâm?

Hydro xanh (hay còn gọi là hydrogen xanh/GH2) được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện. Đây là giải pháp không phát thải carbon, thay thế cho các phương pháp sản xuất hydro truyền thống dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Không giống như hydro xám (thải ra lượng CO2 đáng kể trong quá trình sản xuất), hydro xanh hoàn toàn sạch và vì vậy có khả năng trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững trên toàn cầu.

Lợi ích môi trường và tính linh hoạt của hydro xanh khi ứng dụng trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất điện khiến loại năng lượng này ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi các quốc gia đang cố gắng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không. Công nghệ này cung cấp giải pháp khả thi để khử carbon cho các ngành công nghiệp vốn khó điện khí hóa, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội cho việc lưu trữ và vận chuyển năng lượng.

Tiềm năng của hydro xanh không chỉ gói gọn trong tính bền vững về môi trường mà còn đi kèm cơ hội to lớn về mặt kinh tế. Các quốc gia như Đức, Nhật BảnAustralia đã tích hợp thành công hydro xanh vào hỗn hợp năng lượng sau khi nhận ra tiềm năng của nó trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Các quốc gia này đang dẫn đầu trong việc áp dụng hydro xanh và tự định vị mình là những "ông lớn” trong tương lai của năng lượng sạch.

Trong bối cảnh thế giới chú trọng tính bền vững, công nghệ ngày càng tiên tiến và năng lượng tái tạo có chi phí thấp hơn, hydro xanh trở thành đề tài được chú ý trong các cuộc thảo luận về năng lượng. Chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới đang đầu tư mạnh vào các dự án hydro xanh, coi đây là nền tảng của hệ thống năng lượng bền vững và linh hoạt, đồng thời là con đường mới cho tăng trưởng kinh tế.

Liệu hydro xanh có phải là giải pháp khả thi cho quốc gia đang phát triển và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Việt Nam không?

Câu trả lời ngắn gọn là có. Việt Nam đang đứng trước thời điểm then chốt trong chiến lược năng lượng quốc gia. Với quan ngại ngày càng lớn về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và khả năng phục hồi kinh tế, quốc gia hình chữ S phải áp dụng các giải pháp thay thế sáng tạo cho nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, hydro xanh là nguồn năng lượng sạch đầy hứa hẹn và đa năng.

Vào tháng 2/2024, Việt Nam đã công bố Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cả nước đặt mục tiêu sản xuất 100-500 nghìn tấn hydro mỗi năm từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon vào năm 2030. Đây là một mục tiêu tham vọng nhưng cần thiết.

wind turbines under a bright sun Renewable energy sources like wind and solar energy are used in the production of green hydrogen. (Photo: Pexels)

Tôi cho rằng Việt Nam có thể lấy cảm hứng từ Ấn Độ. Vào năm 2023, Ấn Độ đã công bố khởi động “Sứ mệnh Hydro xanh quốc gia”. Đã có một số sáng kiến ​​hydro xanh đặc biệt thành công ở bang Kerela, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đây có thể là hình mẫu quý giá để Việt Nam tham khảo.

Kerala là điển hình thành công không chỉ vì sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió để sản xuất hydro, mà còn vì cách tích hợp hydro xanh vào hệ sinh thái phát triển bền vững rộng lớn hơn. Bang này đang tận dụng hydro sản xuất ra để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Chiến lược này không chỉ giảm lượng khí thải carbon mà còn giúp Kerala trở thành địa phương dẫn đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng toàn diện, sẵn sàng cho tương lai.

Tại Nam Mỹ, Chile đang tận dụng tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió để trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu hydro xanh hàng đầu. Thậm chí, nước này còn đặt mục tiêu tạo ra loại hydro xanh rẻ nhất hành tinh vào năm 2030 và trở thành một trong ba nước xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm 2040. Nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đang nghiên cứu hydro xanh. Việt Nam có thể hưởng lợi bằng cách nghiên cứu các phương pháp tiếp cận sáng tạo của các quốc gia khác và điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh trong nước.

Ông có thể giải thích chi tiết hơn tại sao Việt Nam nên sử dụng hydro xanh không?

Tôi có thể đưa ra năm lý do chính. Đầu tiên là an ninh và tự chủ năng lượng. Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, do đó dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường và rủi ro địa chính trị. Việt Nam có thể tạo ra năng lượng sạch bằng cách đầu tư vào hydro xanh, tăng cường an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nước ngoài.

Thứ hai, hydro xanh có thể mang lại lợi ích kinh tế. Chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cao đang gây khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Sản xuất hydro xanh trong nước có thể cắt giảm đáng kể những chi phí này, cho phép chuyển hướng các khoản đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện.

Thứ ba, đây là một cách để hoàn thành trách nhiệm môi trường của quốc gia. Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Hydro xanh cung cấp giải pháp không phát thải, giúp đất nước đạt được các mục tiêu về môi trường đồng thời cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra còn có tiềm năng đổi mới công nghiệp và công nghệ. Việc sản xuất hydro xanh cần đến các công nghệ tiên tiến có thể thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra việc làm có tay nghề cao. Bằng cách phát triển lĩnh vực này, Việt Nam có thể xây dựng vị thế là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch, thu hút đầu tư và chuyên môn toàn cầu.

Cuối cùng, khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu có thể là một lý do hấp dẫn. Khi cộng đồng quốc tế hướng tới năng lượng bền vững, việc đầu tư sớm vào hydro xanh có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thị trường đang phát triển này, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Bằng cách trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh, Việt Nam có thể đóng góp vào các nỗ lực bền vững toàn cầu và nâng cao vị thế kinh tế của mình.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

Hình đầu trang và hình thumbnail: stock.adobe.com

  • Phát triển bền vững

Tin tức liên quan