Ngành du lịch chuyển mình sau COVID-19

Ngành du lịch chuyển mình sau COVID-19

Hai năm kể từ khi Việt Nam nới lỏng rồi dỡ bỏ giãn cách xã hội và 18 tháng kể từ khi du lịch mở cửa trở lại, hai chuyên gia RMIT cùng điểm lại những thành tựu và thay đổi lớn nhất trong ngành du lịch.

Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam:

Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ du lịch nội địa. Du lịch trong nước khởi sắc trở lại giúp Việt Nam trở thành nơi có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới và tăng trưởng nhanh thứ năm toàn cầu, dự kiến đạt 150 triệu hành khách vào năm 2035.

Sau khi các nước mở cửa biên giới trở lại, Việt Nam trở thành điểm đến “hot” hơn trên bản đồ du lịch toàn cầu. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam chiến thắng ở 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2022 và được công nhận là Điểm đến hàng đầu châu Á (lần thứ năm) và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á (lần thứ hai) tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2023.

Khách du lịch đi bộ tại Tây Nguyên Du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Để hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, các sản phẩm của ngành cũng đang được đa dạng hóa. Cùng với các loại hình du lịch văn hóa và thiên nhiên thông thường, có thể thấy ngành đang đẩy mạnh quảng bá du lịch đường sông, du lịch ẩm thực, du lịch nông thôn, cũng như du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch tâm linh.

Đáng chú ý, xu hướng du lịch xanh/bền vững đã giúp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động du lịch thiên nhiên ở nông thôn. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng giúp số lượng cơ sở lưu trú homestay, lều trại và trải nghiệm ẩm thực địa phương tăng cao.

Về tổng thể, lĩnh vực lưu trú đã tăng trưởng mạnh mẽ với việc các thương hiệu và chuỗi khách sạn quốc tế mở rộng. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng đã nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ.

Có thể thấy rõ rằng ngành đã tập trung nhiều hơn vào việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp du lịch bền vững, chẳng hạn như dịch vụ cho thuê xe đạp và phố đi bộ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hay đề án bán vé tham quan phố cổ Hội An. Cơ sở vật chất ở các địa điểm công cộng như nhà vệ sinh và vỉa hè cũng đã được nâng cấp.

Một điểm sáng khác là việc các cơ quan ban ngành và ngành du lịch đã và đang đẩy mạnh số hóa cũng như sử dụng công nghệ để thúc đẩy du lịch. Không khó để bắt gặp mã QR ở các điểm đến du lịch nổi tiếng và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng đã bắt đầu sử dụng các ứng dụng chuyển ngữ tức thì.

Ngành hàng không cũng có những nỗ lực nâng cấp trong nội bộ các hãng và toàn ngành nói chung. Điển hình, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã nâng cấp sản phẩm, dịch vụ và duy trì chứng nhận hãng hàng không 4 sao. Công tác quản lý đám đông tại các sân bay cũng đã được cải thiện. Chẳng hạn, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được Casago.com công nhận là một trong những sân bay tốt nhất thế giới về quản lý xếp hàng hiệu quả.

Tiến sĩ Jackie Ong (trái) và Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro (phải). Tiến sĩ Jackie Ong (trái) và Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro (phải).

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao và trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam:

Dựa trên nghiên cứu của tôi và các đồng nghiệp thuộc ngành Quản trị du lịch và khách sạn RMIT về du lịch Đông Nam Á (hiện là thị trường năng động nhất về du lịch hậu COVID), tôi cho rằng hành vi du lịch đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

Đáng chú ý nhất, khách du lịch đang ngày càng ưa chuộng trải nghiệm cá nhân hóa vì các lý do sau:

  • Thay đổi sở thích: Khách du lịch ngày nay tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo và phù hợp với mối quan tâm và sở thích cá nhân. Họ đánh giá cao những trải nghiệm vươn tầm ra khỏi các điểm du lịch truyền thống.
  • Tiến bộ công nghệ: Việc sử dụng công nghệ rộng rãi giúp du khách có thể cá nhân hóa hành trình của mình. Các nền tảng trực tuyến và ứng dụng du lịch đem đến nhiều tùy chọn, cho phép khách du lịch tùy chỉnh hành trình, chỗ ở và hoạt động của họ.
  • Mong muốn trải nghiệm chân thực: Du khách hiện nay quan tâm nhiều hơn đến việc hòa mình vào văn hóa và cộng đồng địa phương. Họ muốn kết nối qua những trải nghiệm chân thực, tìm hiểu truyền thống địa phương, tương tác với người dân nơi đây. Và trải nghiệm cá nhân hóa cho phép họ làm được như vậy.

Về phía các công ty du lịch, họ phải tăng cường sử dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa vì một số lý do:

  • Đáp ứng mong đợi của khách hàng: Trong ngành du lịch cạnh tranh như hiện nay, các công ty cần đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cá nhân hóa ngày càng tăng. Thông qua công nghệ, các công ty có thể đưa ra những đề xuất phù hợp, hành trình riêng và dịch vụ được cá nhân hóa theo sở thích của từng du khách.
  • Nâng cao sự hài lòng của khách hàng: Trải nghiệm cá nhân hóa nâng cao sự hài lòng của khách hàng bằng cách cung cấp trải nghiệm du lịch độc đáo và đáng nhớ. Khi các công ty sử dụng công nghệ để thấu hiểu sở thích của khách hàng và cung cấp các dịch vụ được cá nhân hóa, họ có thể tạo ra trải nghiệm du lịch thú vị và hài lòng hơn.
  • Xây dựng lòng trung thành của khách hàng: Bằng cách cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa, các công ty có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với khách hàng. Khi du khách nhận được những đề xuất phù hợp và dịch vụ đặc biệt, có nhiều khả năng họ sẽ trở thành khách hàng trung thành và quảng bá cho thương hiệu.

Trong bối cảnh ngành du lịch tiếp tục chuyển mình giữa thế giới hậu COVID, các doanh nghiệp biết nắm bắt công nghệ và ưu tiên trải nghiệm cá nhân hóa sẽ có vị thế tốt để phát triển mạnh mẽ trong thị trường Đông Nam Á đầy năng động và hơn thế nữa.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Du lịch & Khách sạn

Tin tức liên quan