Theo hai chuyên gia, có bốn trọng tâm mà ngành thương mại điện tử cần tập trung vào để phát triển bền vững: (1) mô hình kinh doanh bền vững, (2) cơ sở hạ tầng bền vững, (3) nguồn nhân lực số chất lượng cao, và (4) công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Mô hình kinh doanh bền vững
Việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững dựa trên khung ESG (môi trường, xã hội và quản trị) sẽ trở thành yêu cầu thiết yếu cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được tầm nhìn và định hướng phát triển trong thời đại kỹ thuật số.
Doanh nghiệp nên tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và dựa trên hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ.
“Một nhiệm vụ quan trọng không kém là phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững để nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi và khả năng cung cấp giá trị, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số”, Phó giáo sư Hiệp nhận định.
“Đồng thời, doanh nghiệp nên áp dụng các thông lệ bền vững trong quản lý tài chính nhằm giám sát, tối ưu hoá và bảo vệ tài sản, thu nhập, cũng như nguồn lực tài chính của doanh nghiệp”, ông nói.
Cơ sở hạ tầng bền vững
Phó giáo sư Hiệp chỉ ra rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã được các doanh nghiệp chú trọng, điển hình là đầu tư lắp đặt/nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu, khai thác dữ liệu, tự động hoá, đám mây, trí tuệ nhân tạo.
“An toàn thông tin là ưu tiên cấp thiết để nâng cao khả năng phát triển bền vững thương mại điện tử”, ông nhận định. “Hệ thống logistics hiệu quả cũng rất quan trọng cho việc kết nối đầu cuối trong toàn bộ chuỗi cung ứng và gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng”.
Theo chuyên gia RMIT, chi phí logistics chiếm khoảng 10-20% giá thành sản phẩm. Để tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và blockchain.
“Việc áp dụng công nghệ cũng có thể đem đến các giải pháp các-bon thấp, cũng như tăng hiệu quả trong giao vận và các nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả hàng hóa”, Phó giáo sư Hiệp nói.
Nguồn nhân lực số chất lượng cao
Trong khi đó, Tiến sĩ Minh nêu bật sự chênh lệch về cả số lượng và chất lượng của nhân lực thương mại điện tử so với nhu cầu thị trường.
“Nên có thêm các trường đại học, cao đẳng giảng dạy học phần thương mại điện tử trong các chuyên ngành như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số, tài chính ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng”, Tiến sĩ Minh nhận định.
“Về phía doanh nghiệp thương mại điện tử, họ nên xây dựng mô hình phát triển và quản lý nguồn nhân lực đảm bảo ba yếu tố: đa dạng, công bằng và hoà nhập. Họ cũng nên tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ năng lãnh đạo, hợp tác, sáng tạo trong giải quyết vấn đề”, ông nói.
Công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng
Sự phát triển của thương mại điện tử song hành với sự trưởng thành của thế hệ Z (hay Gen Z) – một thế hệ người tiêu dùng mới với những đặc trưng riêng, dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong hành trình mua sắm.
Theo Tiến sĩ Minh: “Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm thông minh hơn. Họ tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm tinh tế hơn và mong chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn thay vì chỉ “săn” ưu đãi giảm giá đơn thuần. Họ cũng tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày một nhiều hơn”.
Vị chuyên gia RMIT nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua nếu muốn nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng một cách toàn diện. Trong đó có thể kể đến các sáng kiến mới như shoppertainment (kết hợp mua sắm với giải trí), cá nhân hoá và công nghệ thực tế ảo.
“Các doanh nghiệp thương mại nên đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ trong từng ‘điểm chạm’ xuyên suốt hành trình mua sắm của khách hàng. Đó là một cách để họ có được sự trung thành của khách hàng”, Tiến sĩ Minh kết luận.
Bài: Hoàng Minh Ngọc
Hình đầu trang: Andrey Popov – stock.adobe.com | Hình thumbnail: Achira22 – stock.adobe.com