Tỉ giá hối đoái, thương mại và FDI
Giữ giá cả ổn định cũng sẽ giúp tỉ giá hối đoái bớt mất giá. Một mô hình dự báo đơn giản chỉ ra rằng chênh lệch lạm phát của các loại tiền tệ thể hiện sự thay đổi dự kiến trong tỉ giá hối đoái.
Tiến sĩ Borer chia sẻ rằng trong khi mối quan hệ này đúng trong dài hạn thay vì theo từng năm, lạm phát trung bình của tiền đồng sẽ hạn chế áp lực mất giá của đồng nội tệ.
“Nhìn lại 20 năm qua, hằng năm tiền đồng lạm phát 4,3%, cao hơn so với đô la Mỹ, điều đó có nghĩa tiền đồng sẽ dần mất giá so với đô la Mỹ”, Tiến sĩ Borer phân tích.
Do đó, để tạo ra môi trường thương mại ổn định hơn và giảm bớt sự bấp bênh của thị trường, Tiến sĩ Borer và Tiến sĩ Vân đề xuất nên áp dụng biên độ giảm giá dần 3-4% cho tiền đồng so với đô la Mỹ. Hệ thống này hứa hẹn mang lại sự ổn định và thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam.
Tiến sĩ Vân giải thích: “Lĩnh vực xuất khẩu cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ có thể tiếp cận, vì các thị trường xuất khẩu chính, cụ thể là Mỹ với 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và cả EU, vừa bước vào thời kỳ suy thoái. Mặc dù có thể chưa bước vào suy thoái song Trung Quốc, khách hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng không trong trạng thái tốt trong năm 2023”.
“Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh vào năm 2022 (tăng 10,6% so với năm 2021), trong đó hải sản và dệt may đạt mức cao kỷ lục, nhưng nhiều khả năng năm nay sẽ không được như vậy”.
FDI cũng tăng trong năm 2022 với vốn thực hiện đạt gần 22,4 tỷ USD, mức cao nhất trong năm năm qua. Các nước đầu tư chính là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác trong khu vực đang tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam.
Tiến sĩ Borer nhấn mạnh rằng, mặc dù điều này hấp dẫn trong ngắn hạn và trung hạn, một nền kinh tế đang phát triển cuối cùng sẽ chuyển thành GDP bình quân đầu người cao hơn, kéo theo chi phí lao động cao hơn.
“Điều này là cần kíp và phản ánh rằng của cải của người dân đang tăng. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xác định và xây dựng thế mạnh ở các khía cạnh khác ngoài việc mức lương thấp”.
Xây dựng môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, “xanh” và ổn định sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai, thu hút FDI bất chấp việc mức lương trong nước tăng lên.
Để đạt được mục tiêu này, Tiến sĩ Vân gợi ý, cần tập trung vào: (1) chống tham nhũng ở tất cả các cấp, (2) tăng tính minh bạch của các quyết định chính sách, (3) tăng cường các nỗ lực về môi trường.
“Tham nhũng làm giảm động lực đầu tư FDI vì nhà đầu tư không chắc chắn về chi phí đầu tư trong tương lai cũng như các quy định luật pháp và tài sản”, Tiến sĩ Vân nói.
Ở khu vực châu Á, các quốc gia/vùng lãnh thổ ít tham nhũng nhất là Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Đây cũng là những quốc gia giàu có nhất trong khu vực.
“Thông điệp ở đây rất rõ ràng – cần phải loại bỏ tham nhũng hoàn toàn”, Tiến sĩ Vân bổ sung.
Thêm vào đó, tăng cường tính minh bạch, chẳng hạn như đã đề cập trước đó với tỉ lệ mất giá tiền tệ được quy định rõ, sẽ giúp Việt Nam trở thành một đối tác thương mại đáng tin cậy hơn.