Một trong những nhiệm vụ thiết yếu hơn cả là cần tránh những sản phẩm đơn điệu, lặp đi lặp lại trong du lịch nông nghiệp. Việc xác định các sản phẩm chủ lực và nhấn mạnh tính độc đáo của từng địa phương là rất quan trọng.
Ở Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, mô hình du lịch nông trại quy mô lớn có thể không phù hợp. Các khoản đầu tư trong tương lai vào du lịch nông nghiệp nên tập trung cung cấp các dịch vụ quy mô nhỏ nhưng tinh tế, chuyên nghiệp và thân thiện như homestay và những chuyến dã ngoại cho học sinh.
Các sản phẩm bổ trợ cho du lịch nông nghiệp nên hướng tới cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chữa bệnh, mỹ phẩm thiên nhiên và trải nghiệm spa. Sự đa dạng hóa này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể và đáp ứng thị hiếu đa dạng của du khách, mà còn giúp ngành du lịch nông nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và hấp dẫn hơn.
Du lịch nông nghiệp có thể áp dụng và thể hiện nhiều khía cạnh của lối sống xanh, như các mô hình thành công ở những điểm đến như Đài Loan hay Nhật Bản đã cho thấy. Ví dụ, nông trại giải trí Tiên Hồ ở Đài Loan vừa trồng trái vải và cà phê, vừa chế biến các nông sản này thành mặt hàng có giá trị cao. Nông trại hướng đến cung cấp cho du khách lựa chọn ăn uống an toàn, chỗ ở thoải mái, hoạt động giải trí thú vị và trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy.
Trong khi đó, cộng đồng người dân ở thị trấn Yufuin tại Nhật Bản đã tạo ra thương hiệu YUFUIN PLUS để quảng bá nhiều mặt hàng hữu cơ được sản xuất tại địa phương, đồng thời giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Các nhà hàng phục vụ thực đơn độc đáo lấy cảm hứng từ ẩm thực phương Tây và Nhật Bản, trong khi hoạt động du lịch như đạp xe, đi tàu và lễ hội kết hợp giới thiệu nghề thủ công, tinh hoa ẩm thực và nông nghiệp địa phương. Những hoạt động giao lưu trao đổi trong cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về du lịch, khuyến khích họ tham gia vào lĩnh vực này. Cách tiếp cận tổng hợp như vậy nâng cao giá trị nông nghiệp và thu hút du khách.