Ngành dệt may đang tập trung vào các phương pháp sản xuất bền vững và chuyển đổi số. Những chiến lược này không chỉ phù hợp với xu hướng bền vững toàn cầu mà còn cải thiện hiệu suất và giảm chi phí.
VITAS cần đảm nhận vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải tiến công nghệ của tất cả các doanh nghiệp dệt may trong nước nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các quốc gia phát triển.
Đầu tiên, VITAS đại diện cho lợi ích của ngành dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên. Họ có khả năng tương tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và các đối tác liên quan để đưa ra các yêu cầu, thể hiện quan ngại và đề xuất giải pháp cho việc thay đổi công nghệ. VITAS còn đóng vai trò trong việc phổ biến thông tin, kỹ thuật, kinh nghiệm về các tiêu chuẩn xanh và thay đổi công nghệ đến các doanh nghiệp dệt may. Họ có thể tổ chức các phiên họp, hội thảo, đào tạo và tập huấn để cung cấp thông tin mới nhất, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các yêu cầu và quy định.
Hơn nữa, VITAS cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp dệt may trong việc tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ cần thiết để chuyển đổi công nghệ thành công. Bằng cách hợp tác với các tổ chức tài trợ, ngân hàng và đối tác, VITAS có thể phát triển các chương trình tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp để họ có thể nắm bắt được các công nghệ tiên tiến.
Thêm vào đó, VITAS có thể tham gia đàm phán và tham vấn với các đối tác quốc tế và chính phủ. VITAS có tầm ảnh hưởng lớn đến việc ban hành chính sách và quy định, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho những tiến bộ công nghệ và thực hiện các tiêu chuẩn xanh.
VITAS còn có năng lực tạo ra mạng lưới liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài ngành dệt may, bao gồm các nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất công nghệ, tổ chức nghiên cứu và các hiệp hội khác. Việc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm cho phép doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Gần đây, VITAS cũng đã đề xuất một chương trình phát triển bền vững, nhấn mạnh đến sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ đặc biệt, chẳng hạn như giảm thuế và cơ chế tiếp cận vốn vay. Hỗ trợ từ chính phủ là vô cùng quan trọng cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, máy móc và thiết bị cần thiết cho sản xuất bền vững.
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, việc các đối tác quốc tế ngày càng quan tâm cũng như khả năng thích ứng của ngành gần đây tăng cao cho thấy ngành dệt may vẫn còn cơ hội để vượt qua thách thức. Việc đa dạng hóa thị trường tập trung vào tính bền vững và sự hỗ trợ từ chính phủ có thể góp phần vào tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong xuất khẩu dệt may Việt Nam vào nửa cuối năm nay.
Bài: Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam