Đây là nhận xét của Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế tại RMIT Việt Nam Tiến sĩ John Walsh trước tình hình sụt giảm nhu cầu sản phẩm nông nghiệp do các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, cũng như hạn chế vận chuyển hàng hoá trong nước và quốc tế do đại dịch COVID-19.
Tiến sĩ Walsh ghi nhận hai gánh nặng mà ngành nông nghiệp đang phải gánh vác do COVID-19 gồm việc đóng cửa các chuỗi bán lẻ trong nước và đình trệ giao thương quốc tế.
Một báo cáo mới đây của Bộ Công thương cho thấy đại dịch đang tác động trực tiếp lên các nhà phân phối. Tổng thu nhập từ bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong ba tháng đầu năm nay khoảng 1,23 nghìn tỉ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại là tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất trong những năm gần đây.
“Các thành phố như Hà Nội, nơi một số sản phẩm nông nghiệp vẫn có mặt trên kệ siêu thị và các cửa hàng bán lẻ nhưng nhu cầu lại trở nên khó đoán vì một số nơi đóng cửa mà không thông báo”, ông cho biết. “Nhiều người có ít tiền tiêu hơn vì bị mất việc hay buôn bán chậm. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ tìm nguồn thực phẩm rẻ hơn và có thể chuẩn bị tại nhà”.
Tiến sĩ Walsh còn viện dẫn cuộc họp gần đây giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhằm thảo luận những biện pháp thúc đẩy hợp tác mua bán nông sản trong thời điểm cả hai quốc gia đều đang đối phó với đại dịch COVID-19.
“Mua bán nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm 7% theo từng năm. Xe chở nông sản vẫn xếp hàng ở cửa khẩu dù tình hình có thể được cải thiện”.
Tiến sĩ Walsh nhận định giao thương toàn cầu dự đoán giảm 40% vào năm sau “vì chúng ta vẫn chưa thấy được tác động của virus đối với châu Phi, Nam Mỹ, Trung Á và các khu vực khác, nơi hệ thống y tế còn hạn chế”.
“Báo cáo Toàn cảnh phát triển châu Á 2020 cho thấy nông nghiệp trên toàn châu lục giảm nhẹ trong năm 2019 vì thời tiết khắc nghiệt, do những vấn đề dài hạn còn tồn đọng từ biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như do suy thoái đất và nước”, Tiến sĩ Walsh cho hay.
Ông còn nhấn mạnh vào việc ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các phương thức thâm canh trong nông nghiệp, đang được áp dụng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, là phần tất yếu dẫn đến sản sinh ra những dịch bệnh sẽ khiến tác động của chủng virus hiện tại nhân lên nữa.
“Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo rằng có đến ¼ tỉ người sẽ bị thiếu hụt lương thực trong những năm tới vì biến động kinh tế và chiến tranh. Đại dịch COVID-19 đã thêm 130 triệu người vào con số tổng này”, Tiến sĩ Walsh cho biết.
Chuyển sang bán hàng trực tuyến và vươn khỏi tình trạng thương phẩm