Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Tôi thường trò chuyện riêng với sinh viên nhằm tạo cơ hội để đôi bên hiểu được khó khăn của nhau. Với các nhóm sinh viên, tôi làm khảo sát trực tuyến sau giờ học để biết được phản hồi của các em”.
Cô Hòa cho biết thêm: “Hệ thống quản lý học tập trực tuyến mà RMIT hiện đang sử dụng còn có công cụ đo lường thời gian sinh viên hoạt động trên nền tảng này. Đây là nguồn tham khảo để tôi có cơ sở nhắc nhở, động viên những bạn có biểu hiện sao nhãng.”
Đánh giá năng lực từ hoạt động thực tế
Khác với nhiều trường trong nước, đa phần các môn học tại RMIT đã được chuẩn hóa theo định hướng đánh giá năng lực từ bài tập thực tế (authentic assessment). Cách đánh giá này chú trọng vào những khả năng sinh viên cần có để đáp ứng yêu cầu công việc và đòi hỏi các em phải ứng dụng kiến thức đã học một cách linh hoạt.
Sinh viên không phải thi cuối kỳ hay đến trường để nộp bài mà hoàn toàn có thể hoàn thành các báo cáo hay thuyết trình trên nền tảng trực tuyến. Các thầy cô cũng chú ý điều chỉnh bài tập để phù hợp với những công cụ mà sinh viên có tại nhà.
Ví dụ, trong môn Tổng quan về chuỗi cung ứng và logistics mà Tiến sĩ Hùng đang phụ trách, giảng viên này yêu cầu sinh viên làm các áp phích hay video về quá trình vận hành, cũng như những vấn đề thường gặp của một chuỗi cung ứng. Sinh viên có thể làm việc theo nhóm hoặc cá nhân trên các nền tảng số.
Còn trong môn Định hướng nghệ thuật của cô Michal Teague, giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, sinh viên được yêu cầu làm ba clip teaser (video ngắn đầu tiên dùng để quảng cáo cho một bộ phim) dùng trên nền tảng mạng xã hội, mỗi clip dài 10 giây, thay vì một clip quảng cáo truyền hình dài 30 giây.
“Sinh viên có thể sử dụng các tư liệu video và hình ảnh nguồn mở. Các em có thể quay clip bằng điện thoại và xử lý hậu kỳ bằng ứng dụng trên thiết bị thông minh. Đây là những cách làm phù hợp với xu hướng marketing và truyền thông trên mạng xã hội hiện nay”, cô Teague cho biết.
“Cách làm này cũng mô phỏng rất sát thực tế, khi mà nhiều khách hàng ngoài đời thực chỉ có ngân sách hạn chế và nhà cung cấp dịch vụ phải sáng tạo trong khuôn khổ nguồn lực sẵn có”.