Ông nghĩ thế nào về cơ hội tiềm năng cho chuỗi cung ứng của Việt Nam khi Việt Nam được mời tham gia điện đàm không chính thức với “Tứ giác kim cương” (Quad) về tình hình chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch?
Được mời điện đàm “Tứ giác kim cương” mở rộng (Quad+) rõ ràng là cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam, nhưng con đường phía trước không hề dễ dàng và nhanh chóng. Việt Nam đã là quán quân thương mại của thế giới; tỉ suất thương mại chiếm khoảng 200% GDP. Trong khi đó, cũng chỉ tiêu này tại Trung Quốc là 38% và bình quân thế giới là khoảng 60%. Chỉ một số ít các quốc gia nhỏ khác qua mặt Việt Nam về cường độ giao thương.
Với cấp độ thương mại đã rất cao, Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn - gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì đơn thuần tăng khối lượng giao dịch mà thôi. Nói cách khác, GDP trên đầu người tương đối thấp nhưng cường độ giao thương cao trong quá khứ cho thấy khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam không nhận được gì nhiều.
Việt Nam hiện đang ở vị trí thuận lợi để tái khẳng định vai trò là đối tác tạo ra giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những việc cần xem xét bao gồm đào tạo lực lượng lao động bán lành nghề, hỗ trợ hình thành các cụm sản xuất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và buộc tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị chặt chẽ hơn.
Cuộc điện đàm này cũng có thể thúc đẩy các cải cách kinh tế quan trọng cho phép Việt Nam không chỉ tạo ra nhiều giá trị hơn trong chuỗi cung ứng, mà còn trở nên cạnh tranh hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Quad cần thấy gì để chọn Việt Nam tham gia vào nhóm?
Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chính với các nước trong Quad, chiếm tỉ lệ 16-25% tổng nhập khẩu (cần lưu ý rằng 30% hàng nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc). Điều này khiến Hoa Kỳ và các nước thành viên trong nhóm bị lệ thuộc kinh tế, và làm giảm tầm ảnh hưởng về mặt chính trị và ngoại giao của họ.
Việt Nam là ứng cử viên thích hợp giúp giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam nổi tiếng có lực lượng lao động bán lành nghề dồi dào, thiết lập được nhiều quan hệ và hiệp định thương mại, có nền kinh tế nhanh nhẹn và linh hoạt có thể đáp ứng nhanh với tốc độ đổi mới sản phẩm chóng mặt như hiện nay.
Việt Nam có những đặc điểm tương tự Trung Quốc, đáp ứng được yêu cầu chính từ các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy việc di dời sang Việt Nam có thể diễn ra nhanh chóng. Có lẽ, điều quan trọng hơn cả động lực kinh tế của Việt Nam chính là sự đồng điệu của tất cả các quốc gia thành viên về mục tiêu chính sách thương mại.
Giải quyết việc mất cân bằng thương mại với Trung Quốc đã nằm trong kế hoạch từ bấy lâu nay. Đại dịch COVID-19 khiến các vấn đề nảy sinh từ việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tập trung trở nên rõ nét và đặt ra yêu cầu cấp bách phải hành động nhanh để xây dựng các chuỗi cung ứng có tính thích ứng cao hơn.