Các hoạt động kinh doanh “ít chạm” không đòi hỏi phải tụ tập đông người hay tương tác gần với khách hàng. Nhóm ngành này đã và đang hoạt động khá tốt trong đại dịch COVID-19, khi mà mua sắm trực tuyến, giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến và thanh toán không tiền mặt đã chứng kiến mức tăng trưởng chưa từng có cả ở Việt Nam và nước ngoài.
“Các doanh nghiệp ‘ít chạm’ có thể ứng dụng công nghệ mới để chăm sóc khách hàng một cách sáng tạo mà vẫn bảo đảm an toàn tối đa cho tất cả mọi người”, Tiến sĩ Hiệp cho biết.
Ngược lại, các ngành kinh doanh “nhiều chạm”, như du lịch và khách sạn, tổ chức hội nghị, hay các khu văn phòng truyền thống, lại cần phải tụ tập đông người và nhiều tương tác gần.
“Những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội và hạn chế đi lại có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp ‘nhiều chạm’ nếu họ không đưa vào các hoạt động ‘ít chạm’ hơn”, Tiến sĩ Thuận nhận định.
Tiến sĩ Hiệp bổ sung rằng yêu cầu chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề “chưa bao giờ cấp bách đến như vậy hòng đảm bảo rằng chúng ta có thể chuyển dịch từ mô hình kinh doanh ‘nhiều chạm’ sang ‘ít chạm’ và thậm chí là ‘không chạm’”.
“Mô hình kinh doanh không tiếp xúc đem đến tương tác kỹ thuật số cao và dịch vụ được cá nhân hóa mà không cần dựa vào tiếp xúc gần với khách hàng”.
Việt Nam tiến tới nền kinh tế không tiếp xúc
Để đối phó với COVID-19, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Việt Nam đã khởi xướng nhiều hoạt động trong năm nay nhằm giảm các điểm tiếp xúc nhiều cho nền kinh tế.
Trong đó, Tiến sĩ Thuận đánh giá cao Ngày không tiền mặt – một sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – diễn ra vào 16/6/2020 vừa qua.
Đại dịch cũng đã đẩy nhanh kế hoạch của Chính phủ đến năm 2030 nhằm cung cấp nhiều dịch vụ công trên các phương tiện truy cập khác nhau (bao gồm điện thoại di động) và xử lý hồ sơ công việc tại các cấp chính quyền trên môi trường mạng.
Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Mobile Marketing cho thấy các dịch vụ kỹ thuật số đã tăng trưởng nhờ nhiều khách hàng lần đầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong mùa dịch.
“Việc khách hàng chuyển sang tương tác trực tuyến sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào việc số hóa các quy trình cốt lõi”, Tiến sĩ Thuận nhận định. “Giờ đây, nhiều doanh nghiệp trong nước coi số hóa là chìa khóa tăng trưởng bền vững”.