Nghiên cứu cho thấy các biểu tượng cảm xúc (emoji) có thể giúp sinh viên đón nhận phản hồi trực tuyến và tiếp thêm động lực để các bạn học hành tốt hơn suốt thời gian học tại nhà.
Học từ xa và linh hoạt buộc các thầy cô phải chuyển đổi cách giảng dạy và đưa ra phản hồi, vì lớp học chuyển sang trực tuyến và tiếp xúc với sinh viên chủ yếu qua email, gọi điện thoại và video.
Điều này khiến việc phản hồi về bài tập càng khó khăn hơn vì các tín hiệu thị giác như nét mặt bị thay thế bằng những hình thái không cảm xúc, chẳng hạn như email và hệ thống quản lý học tập.
Đưa ra phản hồi là công cụ học tập quan trọng nhất với các thầy cô nhưng thực hiện điều này trực tuyến có thể khiến ý nghĩa đích thực của thông điệp bị hiểu sai.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Robyn Moffitt - giảng viên tâm lý học tại Đại học RMIT, có một cách đơn giản, đã được kiểm chứng mà giáo viên có thể áp dụng: đó là đưa đặc trưng tính cách của mỗi thầy cô và sự ấm áp vào phản hồi trực tuyến qua các biểu tượng cảm xúc emoji.
Bắt đầu bằng nụ cười
Nghiên cứu của Tiến sĩ Moffitt cho thấy đưa biểu tượng cười kinh điển, 😊, vào phản hồi có thể gợi cảm giác ấm áp và tin tưởng vào năng lực của người chấm điểm, tạo động lực để sinh viên làm tốt hơn.
“Chúng ta biết cảm xúc là yếu tố quan trọng của phản hồi và được truyền đạt rõ nét nhất khi đối diện trực tiếp”, bà cho hay.
Nhưng khi không thể phản hồi trực diện, dùng emoji có thể tăng hiệu quả của một thông điệp tích cực, đồng thời cũng giúp những phản hồi mang tính phê bình trở nên nhẹ nhàng hơn.
“Emoji là loại tiền tệ mới của giao tiếp điện tử, kiểm soát cách chúng ta giao tiếp trực tuyến với bạn đồng môn và bạn bè, nên cũng không có gì lạ khi chúng tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực giáo dục”, Tiến sĩ Moffitt nói. “Đây là cách thể hiện sự ấm áp và cảm xúc nhanh chóng và hiệu quả, ngay cả khi bạn đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng hay nhấn mạnh vào những điểm cần cải thiện”.
Nghiên cứu gần đây do Tiến sĩ Moffitt chủ trì đã minh chứng điều đó: sinh viên nhận được phản hồi với biểu tượng khuôn mặt hạnh phúc cảm nhận được sự ấm áp từ giáo viên và tin tưởng hơn vào năng lực của thầy cô.
Tiến sĩ Moffitt cho biết emoji không khiến việc đánh giá có vẻ bớt chuyên nghiệp đi và cảm nhận của sinh viên về chất lượng phản hồi nhìn chung không bị ảnh hưởng.
“Nghiên cứu chỉ ra rằng dùng emoji có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu của phản hồi là khuyến khích sự cải thiện”, bà nói. “Emoji minh chứng rằng ngay cả những thông điệp không mấy tích cực vẫn có thể được truyền tải theo cách ấm áp và tử tế. Biểu tượng cảm xúc giúp truyền đạt thông điệp của phản hồi mang tính xây dựng -- rằng vì tôi quan tâm và muốn bạn học hỏi và cải thiện, chứ không phải vì tôi không hài lòng với bài tập của bạn”.
Bằng việc đưa ra cách giao tiếp gần gũi và thích hợp với sinh viên hơn, emoji còn có thể giúp thầy cô thu hẹp khoảng cách thế hệ.
“Bọn trẻ vẫn thích sticker và cũng thích emoji nữa”, Tiến sĩ Moffitt chia sẻ. “Ngay cả học sinh trung học cũng thường xuyên dùng emoji thay lời nói để giao tiếp khi các em nhắn tin hay dùng mạng xã hội”.
Chọn và dùng emoji chuẩn nhất
Tiến sĩ Moffitt chia sẻ bí quyết dành cho các thầy cô không chắc mình nên dùng emoji nào rất đơn giản – tưởng tượng ra vẻ mặt họ muốn thể hiện khi phản hồi cho các em.
“Dùng emoji mặt cười kinh điển là phương cách an toàn, đặc biệt khi thầy cô định dùng phản hồi mang tính xây dựng với ý đồ tốt là để khích lệ và cải thiện”.
Chẳng hạn như, thay vì nói “nhớ kiểm tra lại bài”, hãy cân nhắc dùng “nhớ kiểm tra lại bài 😊”.
Tiến sĩ Moffitt cho biết nghiên cứu của bà còn cho thấy emoji buồn và bối rối cũng hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng cảnh báo việc lạm dụng emoji và đề xuất dùng chúng một cách thận trọng, bắt đầu với mặt cười hoặc emoji truyền tải rõ ràng hiệu quả tích cực.
“Việc sinh viên biết giáo viên cởi mở với việc dùng emoji có thể tạo ra cách tương tác mới mẻ và vui tươi. Nhờ sinh viên phản hồi cũng có thể giúp tìm ra một số emoji mới”, bà kết lời.
Bài: Aeden Ratcliffe