2025 dự kiến là một năm đầy triển vọng cho tiền mã hóa

2025 dự kiến là một năm đầy triển vọng cho tiền mã hóa

Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm và chuyên gia về tiền mã hóa, dự đoán Bitcoin và tài sản số có triển vọng tươi sáng trong năm 2025 giữa bối cảnh giá cao kỷ lục và cục diện chính trị thế giới thay đổi.

Giá Bitcoin lần đầu vượt mốc 100.000 đô la Mỹ vào tháng 12 vừa qua, về đích với mức tăng ấn tượng là 120% cho cả năm 2024. Ông Donald Trump sắp nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20/1 cũng hứa hẹn đưa một chính quyền ủng hộ tiền mã hóa vào Nhà Trắng, nên có sự lạc quan nhất định về việc phổ biến tiền mã hóa và đổi mới tài sản số trong thời gian tới.

Từng có nhiều ý kiến bình luận về việc Chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ mua và nắm giữ Bitcoin như một tài sản dự trữ. Nếu như vậy, Hoa Kỳ sẽ gia nhập một nhóm nhỏ các quốc gia, gồm El Salvador và Bhutan, đang sử dụng Bitcoin làm tài sản dự trữ quốc gia. Hiện tại Hoa Kỳ cùng sáu quốc gia khác (trong đó có Vương quốc Anh và Trung Quốc) đang sở hữu Bitcoin từ việc tịch thu tài sản, nhưng loại tiền này chưa phải là một phần trong chiến lược tiền tệ công của các nước này.

Dự trữ Bitcoin là phiên bản hiện đại, tương tự cách các ngân hàng trung ương mua vàng để củng cố vị thế kinh tế. Một khi chính phủ của một số nước được nhiều người biết đến bắt đầu mua Bitcoin, rất có thể các quốc gia khác sẽ noi theo.

Từng là người hoài nghi về tiền mã hóa, ông Trump đã có bài phát biểu chính tại một hội nghị Bitcoin ở thành phố Nashville năm ngoái và cho biết chính quyền của ông sẽ đưa ra chính sách "giữ lại 100% tất cả Bitcoin mà Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ hoặc mua lại trong tương lai". David Sacks, cố vấn AI và tiền mã hóa được ông Trump bổ nhiệm mới đây, đang làm việc với Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis về Dự luật Dự trữ Bitcoin và luật tài sản số nói chung. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng domino, thúc đẩy các quốc gia khác làm theo.

bitcoin Chính quyền mới của ông Trump dự kiến sẽ đưa ra các chính sách thân thiện với tiền mã hóa. (Hình: Pexels)

Bitcoin không chỉ là một loại tiền tệ mà còn là một mạng lưới phi tập trung để quản lý và bảo mật sổ cái. Mạng lưới Bitcoin vừa kỷ niệm 16 năm kể từ khi khai thác khối đầu tiên vào ngày 3/1/2009. Mạng lưới này ngày càng phát triển thì càng thu hút nhiều người đến với tài sản số.

Khi tiền đồng Việt Nam tiếp tục suy yếu so với đô la Mỹ, ngày càng có nhiều người tìm đến các giải pháp thay thế để tiết kiệm tiền và Bitcoin là loại tiền mã hóa được ưa chuộng. Việt Nam có tỉ lệ sử dụng tiền mã hóa cao thứ ba trên toàn cầu và cao nhất ở Đông Nam Á tính đến năm 2023. Tuy nhiên, Việt Nam đang tụt hậu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đổi mới và quản lý tài sản số.

Dự án mBridge là sáng kiến ​​của Trung Quốc nhằm sử dụng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), như đồng e-CNY, trong các giao dịch xuyên biên giới. Dự án này dựa trên quan hệ đối tác với Ngân hàng Thái Lan và Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cùng nhiều bên khác. mBridge hiện đang ở giai đoạn sản phẩm khả dụng tối thiểu.

Hồng Kông (Trung Quốc) đã tiếp tục nắm bắt tài sản số bằng cách ra mắt các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) cho Bitcoin và Ethereum vào tháng 4/2024, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ đồng thời ra mắt 11 quỹ ETF cho Bitcoin. Các quỹ ETF này cho phép các nhà đầu tư và quản lý quỹ tiếp cận Bitcoin mà không cần trực tiếp mua và nắm giữ tài sản. Điều quan trọng là các quỹ này được giám sát bởi cơ quan quản lý tài chính địa phương, ví dụ như Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông.

Vào năm 2024, Cơ quan Tiền tệ Singapore đã cấp giấy phép cho các sàn giao dịch OKX và Gemini, và hiện có 81 sàn giao dịch tiền mã hóa đang hoạt động, mặc dù hiện tại họ không có bất kỳ quỹ ETF tiền mã hóa nào dành cho các nhà đầu tư.

Đến nay, Việt Nam vẫn khá chậm chạp so với các thị trường trên. Mặc dù việc sở hữu và giao dịch Bitcoin không phải là bất hợp pháp, nhưng Bitcoin vẫn không được sử dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Điều này khiến các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp khó có thể tiếp nhận công nghệ này nếu không có các quy tắc cơ bản rõ ràng.

Tiến sĩ Jeff Nijsse Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học RMIT Việt Nam

Năm 2025 đang trên đà trở thành một năm thăng hoa của Bitcoin và tiền mã hóa, cũng như cho các nhà đầu tư, doanh nhân và nhà phát triển trên toàn cầu. Hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm hình thành một khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền mã hóa như đã đề ra trong chiến lược quốc gia của Chính phủ về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ làm rõ môi trường pháp lý cũng như thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, qua đó giúp Việt Nam bắt kịp các nền kinh tế dẫn đầu khu vực như Singapore và Hồng Kông trong việc tiếp nhận đổi mới về tiền mã hóa.

Trong bối cảnh tiền mã hóa phát triển trên toàn cầu, khả năng xây dựng chính sách quốc gia song song với duy trì sự giám sát phù hợp sẽ quyết định vai trò của Việt Nam trong tương lai tài sản số.

Bài: Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam

Tìm hiểu thêm về Tiến sĩ Jeff Nijsse tại đây.

Tin tức liên quan