Phó giáo sư Nguyễn Văn Thăng Long, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu về âm nhạc số Việt Nam và Phó chủ nhiệm bộ môn Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) tại RMIT, đưa ra dự báo về các khuynh hướng đang nổi trong nền âm nhạc số với tiềm năng thương mại và xã hội đáng kể. Các khuynh hướng này gồm:
- Mix and Match: Các nhóm nghệ sĩ hợp tác và mashup với nhau
- Gia tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý âm nhạc
- Hành vi ứng xử của nghệ sĩ ngày càng được quan tâm
- Vai trò âm nhạc trong phát triển văn hóa – hợp tác công-tư
- Người hâm mộ nhiệt thành trở nên quan trọng
- Tác động của trí tuệ nhân tạo trong sáng tác và tiêu thụ âm nhạc
- Sự gia tăng của các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp
- Sự phân cực trong bản sắc riêng của nghệ sĩ
- Sự đa dạng trong cấu trúc thu nhập của nghệ sĩ
- Sự phân mảnh trong đánh giá thành tựu nghệ sĩ
Trong các xu hướng này, Phó giáo sư Long chỉ ra ba hướng phát triển chính có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình lại tương lai của ngành.
Tính chuyên nghiệp trong quản lý “chiếm sóng”
Sự phát triển nhanh chóng của ngành âm nhạc giải trí dấy lên nhu cầu về dịch vụ quản lý chuyên nghiệp. Ngày càng nhiều các nghệ sĩ độc lập tìm hướng phát triển sự nghiệp có hệ thống, từ định hướng nghệ thuật đến hợp đồng kinh doanh. Thay đổi này cho phép họ tập trung vào sáng tạo còn khía cạnh thương mại để cho đội ngũ quản lý lo.
Cô Tôn Nữ Như Ngọc, Trưởng phòng Labels & Artist Solutions tại Believe Việt Nam, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp ngay cả trong những chi tiết tưởng chừng nhỏ: “Nhiều nghệ sĩ chưa chú trọng vào việc tối ưu hóa trang cá nhân của họ trên các nền tảng nhạc số như Spotify, Apple Music, v.v. Nếu muốn phát triển, nghệ sĩ cần chú ý tính chuyên nghiệp của mình trong từng hoạt động nhỏ nhất như cập nhật hình ảnh, thông tin, sáng tạo trong cách quảng bá bài hát mới để tăng khả năng tiếp cận và tương tác với khán giả trên các nền tảng”.
Ưu tiên tiêu chuẩn đạo đức
Khi ngành âm nhạc ngày càng thương mại hóa và ảnh hưởng của nghệ sĩ ngày càng lớn, công chúng và thương hiệu càng kỳ vọng hơn vào chuẩn mực đạo đức và hành vi chuyên nghiệp của nghệ sĩ. Xu hướng “âm nhạc có trách nhiệm” nhấn mạnh rằng nghệ sĩ không chỉ cần tài năng mà còn phải đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, tôn trọng bản quyền và phù hợp với các giá trị của khán giả.
Cô Trần Thị Mai Anh, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh tại Zing MP3 & Zing Media, lưu ý đến sự giám sát ngày càng cao đối với nghệ sĩ: “Nghệ sĩ ngày nay phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về tuyên bố, hình ảnh và âm nhạc. Zing MP3 áp dụng các điều khoản nghiêm ngặt, kiểm duyệt kỹ lưỡng từ khóa và nội dung bài hát, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức, bảo vệ hình ảnh cho nền tảng và nghệ sĩ”.
Hợp tác công-tư thúc đẩy phát triển văn hóa
Hợp tác công-tư đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiển văn hóa và âm nhạc. Những sự kiện như Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hò Dô (HOZO) tại TP. Hồ Chí Minh và Lễ hội âm nhạc Monsoon ở Hà Nội là minh chứng cho thành công của mô hình hợp tác này.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Nhà sáng lập và CEO tại Pencil Group, nêu bật tầm quan trọng của quan hệ hợp tác này: “Các sự kiện văn hóa và âm nhạc hợp tác công-tư đang được đẩy mạnh hơn, thu hút nhiều sự quan tâm và các tổ chức đa dạng hơn nhằm tạo sân khấu cho nghệ sĩ kết nối và tri ân với khán giả địa phương”.