Chăm sóc sức khỏe tinh thần cán bộ thực thi pháp luật để bảo vệ cộng đồng tốt hơn

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cán bộ thực thi pháp luật để bảo vệ cộng đồng tốt hơn

Với mong muốn kêu gọi ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cán bộ thực thi pháp luật, một cựu chỉ huy cảnh sát từng giữ danh hiệu Người khỏe nhất Australia đã chia sẻ về hành trình cá nhân với học viên đến từ nhiều nước trong khu vực tại một khóa đào tạo ở Hà Nội.

Mỗi ngày ở mỗi quốc gia trên thế giới, các cơ quan thực thi pháp luật đang nỗ lực đấu tranh với tội phạm, bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh, an toàn cho cộng đồng. Chúng ta luôn mặc nhiên cho rằng cảnh sát, cán bộ xuất nhập cảnh và hải quan phải mạnh mẽ, kiên cường và sẵn sàng đối phó với tội phạm có tổ chức cũng như các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Thế nhưng, ai đang bảo vệ những người bảo vệ chúng ta?

Trong quá khứ, các cơ quan thực thi pháp luật thường chỉ tập trung đảm bảo sức khỏe thể chất cho cán bộ. Nhưng giờ đây, các cơ quan có tư duy cấp tiến đang nhận ra tầm quan trọng của việc quan tâm tới sức khỏe tinh thần cho cán bộ của mình.

“Hãy nghĩ mà xem. Cảnh sát, cán bộ xuất nhập cảnh và hải quan đang làm việc ở tuyến đầu để chống lại những tội phạm nghiêm trọng nhất. Ngày này qua ngày khác, họ đang góp phần ngăn chặn và phát hiện tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố, tội phạm tài chính” là chia sẻ của ông Grant Edwards, cựu chỉ huy Cảnh sát Liên bang Australia và cựu chủ nhân danh hiệu Người khỏe nhất Australia.

“Họ luôn phải tỏ ra cứng rắn, nhưng việc đối phó với tội phạm lại tác động đáng kể đến con người họ”, ông nói thêm.

Ông Grant Edwards là một chỉ huy Cảnh sát Liên bang Australia đã nghỉ hưu và cựu chủ nhân danh hiệu Người khỏe nhất Australia. (Hình: NVCC) Ông Grant Edwards là một chỉ huy Cảnh sát Liên bang Australia đã nghỉ hưu và cựu chủ nhân danh hiệu Người khỏe nhất Australia. (Hình: NVCC)

Trong suốt 30 năm làm việc trong ngành, ông Edwards được biết đến nhờ đóng góp cho lực lượng cảnh sát cũng như khả năng sử dụng sức mạnh thể chất của mình để kéo xe tải, tàu hỏa và thậm chí cả máy bay.

Phát biểu tại Chương trình Quản lý dành cho các cơ quan kiểm soát biên giới (BCAMP) lần thứ 31 diễn ra tại Hà Nội tuần vừa qua, ông Edwards đã chia sẻ câu chuyện bản thân đã trải qua nghịch cảnh với tinh thần bền bỉ ra sao, nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho các cán bộ thực thi pháp luật.

BCAMP là sáng kiến ​​chung của Bộ Nội vụ Australia, Bộ Công an Việt Nam và Đại học RMIT nhằm tăng cường an ninh biên giới khu vực. Trong khuôn khổ chương trình, ông Edwards đã phát biểu trước nhóm học viên gồm 30 cán bộ quản lý xuất nhập cảnh ASEAN, Timor-Leste và Australia.

Chia sẻ thông điệp từ cuốn sách mới của mình “Who’s Protecting the Protectors?” (tạm dịch: Ai đang bảo vệ những người bảo vệ chúng ta?), ông Edwards giải thích: “Con người là trung tâm trong mọi nỗ lực thực thi pháp luật. Nếu muốn cải thiện nỗ lực phòng chống tội phạm thì đã đến lúc chúng ta cần đầu tư vào sức khỏe toàn diện của những người đứng trong hàng ngũ. Chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề cấp bách và thường bị bỏ qua này”.

Ông Grant Edwards cùng các học viên tham gia chương trình BCAMP lần thứ 31. (Hình: RMIT) Ông Grant Edwards cùng các học viên tham gia chương trình BCAMP lần thứ 31. (Hình: RMIT)

Ông cho biết tự chăm sóc sức khỏe tinh thần không hề khó. Có thể bắt đầu bằng việc mạnh dạn nêu ý kiến cá nhân, dành thời gian nghỉ ngơi, hỏi thăm đồng nghiệp và tạo ra môi trường làm việc tích cực.

Ông Edwards nói: “Nếu bạn là người thân hay bạn bè của một cán bộ thực thi pháp luật, bạn cũng có thể góp phần tích cực bằng cách chủ động liên lạc và hỏi thăm sức khỏe của họ”.

“Phương trình ở đây rất đơn giản - nếu lực lượng thực thi pháp luật của chúng ta có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt thì năng lực chống tội phạm sẽ hiệu quả hơn và cộng đồng sẽ được hưởng lợi”.

Bài: Anita Dodds

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan