Để cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và trách nhiệm giải trình tại những nền tảng kỹ thuật số như TikTok, hai giảng viên RMIT đề xuất cách tiếp cận gồm nhiều bên liên quan.
Phó giáo sư Stibe cho biết, về phía các nền tảng, họ cần đưa ra chính sách rõ ràng, quy định chi tiết về nội dung bị cấm và hậu quả nếu người dùng vi phạm.
“Họ cũng nên duy trì hệ thống báo cáo người dùng minh bạch và được cập nhật liên tục đối với nội dung có vấn đề, thậm chí có thể sử dụng AI để phát hiện và đánh dấu nội dung không phù hợp trước khi nó lan truyền. Các đơn vị độc lập chuyên xác minh thông tin cũng có thể giúp chống lại thông tin sai lệch và tin tức giả mạo”, ông nói.
“Song song với đó, chính phủ nên đầu tư vào các chương trình phổ cập kiến thức kỹ thuật số để giáo dục cho công chúng về cách sử dụng Internet an toàn và có trách nhiệm, bao gồm việc xác định thông tin sai lệch và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến”.
Tiến sĩ Vân Anh nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng bằng cách ban hành thêm nhiều quy định yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt như GDPR hoặc CCPA, cũng như đẩy mạnh thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp tài liệu đào tạo liên quan.
Trong bối cảnh các nền tảng như TikTok đang trở thành sàn thương mại được ưa chuộng, Tiến sĩ Vân Anh cho rằng các cơ quan chức năng cần thiết lập quy định rõ ràng về quảng cáo trên mạng xã hội, bao gồm xác định quảng cáo như thế nào thì được chấp nhận và yêu cầu dán nhãn minh bạch cho nội dung được tài trợ.
“Về phía các doanh nghiệp, việc đưa ra chính sách bảo vệ người tiêu dùng như quy trình minh bạch về hoàn tiền và hoàn trả cũng rất cần thiết”, bà nói.
Cả hai giảng viên RMIT đều nhấn mạnh tính minh bạch là không thể thiếu nếu muốn xây dựng và duy trì niềm tin người tiêu dùng.
Phó giáo sư Stibe nói: “Xã hội loài người phát triển mạnh mẽ khi được xây dựng trên niềm tin. Do đó, chúng ta có nhu cầu về tính minh bạch trong tương tác với doanh nghiệp trực tuyến và các thực thể khác trong thế giới kỹ thuật số ngày nay”.
“Các nền tảng kỹ thuật số như TikTok có quyền lựa chọn hoạt động công khai hoặc bí mật. Xét cho cùng, lựa chọn này sẽ quyết định danh tiếng và thành công của họ trong dài hạn”.
Bài viết này dựa trên nội dung phỏng vấn với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập.
Bài: Hoàng Minh Ngọc
Hình đầu trang: SFIO CRACHO – stock.adobe.com