Nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT và Wharton chỉ ra rằng người sử dụng AI thường hoàn thành nhiều công việc hơn (+12,2%), nhanh hơn (+25,1%) với chất lượng cao hơn (+40%) (Nguồn: Dell’Acqua et al, 2023). Khi các hệ thống AI tiên tiến như ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến, lãnh đạo các trường đại học trên khắp thế giới phải đưa ra những quyết định phức tạp để có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ này đồng thời duy trì tính liêm chính trong học thuật.
Thay vì cấm sử dụng AI, Đại học RMIT cam kết đánh giá nghiêm túc và đón nhận những lợi ích giáo dục tiềm năng của công nghệ này. Theo Giáo sư Sherman Young, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Giáo dục) tại RMIT, “AI sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và công việc tương lai của con người. Chúng ta cần dạy sinh viên cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh, giống như cách chúng ta vẫn dạy họ sử dụng các công nghệ khác để làm việc hiệu quả và năng suất hơn như bấy lâu nay”.
Trường đã hợp tác với Microsoft phát triển công cụ AI dành riêng cho nội bộ RMIT mang tên Val (viết tắt của Virtual Assistant for Learning - Trợ lý ảo cho học tập). Hiện công cụ này dành cho cán bộ giảng viên sử dụng trong công việc, nghiên cứu, học tập và giảng dạy liên quan đến RMIT. Trường cũng đã đón tiếp nhiều diễn giả nước ngoài, tổ chức các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Australia, đồng thời tích cực đổi mới trong lĩnh vực giáo dục bậc cao mới mẻ và thú vị này.
Khai thác sức mạnh AI bắt đầu từ thiết kế chương trình giảng dạy
RMIT áp dụng cách tiếp cận mang tính thực tế và cấp tiến trong việc sử dụng AI, với sự tham gia của nhiều người làm công tác giáo dục để dẫn dắt các sáng kiến đổi mới đa dạng nhằm thử nghiệm AI và tích hợp cơ hội to lớn từ công nghệ này. Một số sáng kiến như vậy đã được cán bộ giảng viên RMIT tại Australia và Việt Nam giới thiệu ở một hội thảo trực tuyến gần đây.
Lấy ví dụ từ quá trình xây dựng chương trình giảng dạy, các nhà thiết kế học tập tại RMIT Việt Nam cho biết họ đã sử dụng rộng rãi công cụ AI tạo sinh để thiết kế mạch truyện và phép loại suy nhằm giải thích các khái niệm trong bài giảng, cũng như sáng tạo ra các ví dụ, tình huống và hoạt động cho lớp học.
Kết hợp AI với game hóa cũng có thể hỗ trợ tăng cường sự tham gia của người học, như thí điểm thành công của Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, RMIT Việt Nam. Tiến sĩ Velasquez đã sử dụng AI để tạo ra các nhân vật đại diện (persona) hư cấu có đầy đủ chi tiết và tính tương tác để sinh viên có thể nhập vai trong những bài tập tư duy thiết kế. Ông đánh giá rằng tính chân thực cao khi tương tác với AI sẽ cải thiện sự hưởng ứng và kết quả học tập của sinh viên, cho phép họ thực hiện nghiên cứu chất lượng cao hơn so với các hoạt động nhập vai truyền thống.