Cách hoạt động của cảm biến
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nitu Syed, cho biết cảm biến này gồm màng oxit thiếc trong suốt và siêu mỏng, có thể dễ dàng phát hiện amoniac ở mức độ nhỏ hơn nhiều so với các công nghệ tương tự.
Tiến sĩ Syed nói: “Thiết bị của chúng tôi hoạt động giống như một ‘chiếc mũi’ điện tử có khả năng phát hiện ngay cả lượng amoniac nhỏ nhất một cách hiệu quả. Cảm biến cũng có thể phân biệt giữa amoniac và các loại khí khác với độ chính xác cao hơn so với các công nghệ khác”.
Sự hiện diện của amoniac trong không khí làm thay đổi điện trở của màng oxit thiếc trong cảm biến, nghĩa là nồng độ amoniac càng cao thì sự thay đổi điện trở của thiết bị càng lớn.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với cảm biến trong một thiết bị được thiết kế đặc biệt nhằm kiểm tra khả năng phát hiện khí amoniac ở các nồng độ (5 – 500 ppm) và điều kiện khác nhau, bao gồm cả nhiệt độ. Họ cũng kiểm tra tính chính xác của thiết bị khi phân biệt amoniac với các loại khí khác, bao gồm CO2 và metan.
Tiến sĩ Chung Nguyen, nghiên cứu viên gốc Việt đang làm việc tại RMIT (Australia) và là tác giả chính của bài báo khoa học, cho biết cảm biến thu nhỏ này đem đến một giải pháp an toàn và nhỏ gọn hơn để phát hiện khí độc so với các kỹ thuật hiện có.
“Những phương pháp phát hiện amoniac hiện tại cho ra các phép đo chính xác nhưng đòi hỏi phải có thiết bị phòng thí nghiệm đắt tiền với kỹ thuật viên có trình độ, đồng thời cũng cần nhiều mẫu thử và phải chuẩn bị cầu kỳ”, Tiến sĩ Chung nhận định.
“Quá trình này thường tốn thời gian và không cơ động do các thiết bị có kích thước cồng kềnh. Ngoài ra, để sản xuất ra cảm biến phát hiện amoniac hiện nay cần các quy trình tốn kém và phức tạp mới có thể chuẩn bị được các lớp vật liệu có độ nhạy cho việc chế tạo cảm biến”.
Cũng theo Tiến sĩ Chung, cảm biến mới của nhóm có thể phân biệt ngay lập tức mức độ an toàn hay nguy hiểm của amoniac trong môi trường.
Ông nói: “Kỹ thuật gắn oxit thiếc này có thể được nhân rộng, do vậy sẽ đem đến cơ hội sản xuất hàng loạt với chi phí hợp lý hơn”.