Kết nối nghệ thuật và khoa học trong đào tạo thiết kế game
“Tương tác là trọng tâm của thiết kế game”, Tiến sĩ Athugala nhấn mạnh. Khác với phim ảnh hay video, tính năng nổi bật của game nằm ở tương tác. Người chơi không chỉ xem. Họ kiểm soát và tác động đến thế giới trong game.
Dựa trên triết lý này, chương trình thiết kế game của RMIT tập trung kết hợp nghệ thuật với khoa học. Thay vì chỉ dạy các kỹ năng kỹ thuật cụ thể, chương trình trang bị cho sinh viên cái nhìn toàn diện về quy trình sản xuất game - từ phát triển nhân vật, thiết kế câu chuyện, thiết kế âm thanh đến phát triển trải nghiệm người dùng.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học là dự án SenseScapes - tác phẩm nghệ thuật âm thanh tương tác do Tiến sĩ Athugala và giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo, ông Thierry Bernard đồng phát triển.
SenseScapes là một hệ thống âm thanh tương tác được kích hoạt bằng công nghệ theo dõi chuyển động. Hai camera và bốn loa phối hợp với nhau để phát hiện chuyển động của người dùng, kích hoạt một bản giao hưởng âm thanh tự nhiên. Các âm thanh này được ghi lại từ khung cảnh nông thôn Việt Nam, như rừng, biển và các hồ nhỏ, tạo ra trải nghiệm cảm giác nhập vai cho người thưởng lãm khi họ có thể kích hoạt âm thanh chỉ bằng chuyển động cơ thể.
Ngoài ra, Tiến sĩ Athugala có kế hoạch triển khai một màn hình kỹ thuật số tương tác mới tại RMIT. Màn hình này sẽ đóng vai trò như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tương tác, nhận diện cả giọng nói và chuyển động, cho phép sinh viên giới thiệu và tương tác với các tác phẩm sáng tạo của mình. Dự án này hứa hẹn tạo ra một không gian triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số công cộng, nơi sinh viên có thể thể hiện sự sáng tạo của mình theo cách mới mẻ và hiện đại.
Thời của ngành game Việt Nam đã đến
Ngành công nghiệp game Việt Nam đang chuyển mình từ một trung tâm gia công thành cái nôi của sáng tạo nội dung gốc. Để đạt được điều này, Việt Nam cần phát triển những trò chơi mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
“Phim có thể kể một câu chuyện, nhưng game cho phép người chơi sống trong câu chuyện đó”, Tiến sĩ Athugala nhấn mạnh. Đây chính là tinh thần của chương trình Thiết kế game tại RMIT Việt Nam, nơi sinh viên không chỉ học cách làm game, mà còn trở thành những nhà thiết kế game toàn diện, có khả năng đưa Việt Nam lên bản đồ ngành game toàn cầu.
Bài: Quân Đinh H.
Hình đầu trang: Chaosamran_Studio – stock.adobe.com | Hình đại diện: DC Studio – stock.adobe.com