Tiến sĩ Nayak cho biết: “Ngành du lịch ở Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn với nhu cầu về nước ngày càng tăng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và cơ sở lưu trú du lịch khác”.
Theo ông, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng là nguồn tiêu thụ nước lớn, đến từ nhu cầu sử dụng phòng ốc, dịch vụ ăn uống, trang thiết bị giải trí và nhu cầu bảo trì.
“Trên toàn cầu, mức tiêu thụ nước trong lĩnh vực lưu trú ước tính trung bình là khoảng 350 lít/khách/đêm. Tuy nhiên, các khách sạn hạng sang có thể tiêu thụ vượt quá mức trung bình này rất nhiều, với mức sử dụng lên tới 3.423 lít/khách/đêm”.
“Đây là những số liệu cho thấy nhu cầu nước đáng kể liên quan đến ngành du lịch, đặc biệt là phân khúc hạng sang”.
Ở Việt Nam, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những khu vực ven biển, cũng ghi nhận mức sử dụng nước cao tương tự.
Tiến sĩ Nayak nhấn mạnh: “Tiêu thụ nước gia tăng gây áp lực lên nguồn nước vốn đã hạn chế, đặc biệt là ở các điểm đến nổi tiếng”.
Cùng với những thách thức hiện có như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, nhu cầu sử dụng nước của ngành du lịch dẫn đến tình trạng cạnh tranh về nước giữa du khách và cộng đồng địa phương, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hơn.
Thêm nữa, theo Tiến sĩ Nayak, “nhiều nơi lưu trú vẫn sử dụng cơ sở hạ tầng lỗi thời và cách làm không ưu tiên bảo tồn nước, dẫn đến lãng phí nước đáng kể và gia tăng áp lực đối với nguồn nước hạn chế”.
Ông cho biết: “Lượng khách du lịch tập trung cao ở một số khu vực nhất định khiến nhu cầu về nước của một số địa phương tăng vọt, thường vượt quá khả năng cung cấp, đặc biệt trong các mùa cao điểm”.
Giải pháp bền vững cho ngành lưu trú
Khi biến đổi khí hậu và phát triển du lịch khiến áp lực về nguồn nước tăng cao, nỗ lực của từng cá nhân trong ngành này đóng vai trò quan trọng giúp giải quyết nhu cầu nước ngày càng tăng đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành du lịch Việt.
Tiến sĩ Nayak nhấn mạnh: “Mặc dù đã có nhiều biện pháp bền vững được triển khai, để quản lý nước hiệu quả, vai trò của các sáng kiến cá nhân trong các khách sạn là rất quan trọng”.
“Môi trường thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan và tích hợp các biện pháp tiết kiệm nước vào chiến lược kinh doanh tổng thể là điều cần thiết. Những môi trường như vậy có thể tác động mạnh đến hành vi của khách, khuyến khích họ thực hiện các hành động tích cực như bảo vệ nguồn nước”.
Cách tiếp cận hợp tác này đảm bảo quản lý nước bền vững trong ngành khách sạn, cân bằng lợi ích kinh tế của du lịch với nhu cầu bảo tồn nguồn nước. Do đó, lĩnh vực du lịch và lưu trú cần chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý nước bền vững và khuyến khích du khách tiết kiệm nước.
Tiến sĩ Nayak chỉ ra rằng “du khách sẵn lòng tham gia vào việc bảo vệ môi trường nếu họ được truyền đạt hiệu quả”.