Tận dụng thiên nhiên để cải thiện công tác xử lý nước

Tận dụng thiên nhiên để cải thiện công tác xử lý nước

Đại học RMIT dẫn đầu một nhóm chuyên gia quốc tế đi tìm giải pháp xử lý nước dựa vào thiên nhiên cho các đô thị ở Việt Nam, Sri Lanka và Philippines.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu gia tăng ở châu Á đang đặt ra thách thức to lớn đối với việc duy trì chất lượng nước.

Với mục tiêu cải thiện công tác xử lý nước, Đại học RMIT đã hợp tác với một nhóm chuyên gia quốc tế nhằm hỗ trợ triển khai một số dự án thí điểm ở Việt Nam, Sri Lanka và Philippines thông qua Mạng lưới châu Á-Thái Bình Dương về nghiên cứu thay đổi toàn cầu (APN).

Các dự án thí điểm được dẫn dắt bởi Giáo sư Jega Jegatheesan (Đại học RMIT) bao gồm việc xây dựng công trình đất ngập nước nổi ở Cần Thơ (Việt Nam) và Kandy (Sri Lanka), mái nhà xanh ở TP. Hồ Chí Minh và đất ngập nước nhân tạo tạo ở Philippines.

Dự án đã đào tạo cho 40 sinh viên Đại học Cần Thơ giúp họ xây dựng và lắp đặt các công trình ở hai con kênh, cũng như 32 nhà nghiên cứu trẻ khác đã tham gia học tập thực hành ở nhiều địa điểm khác.

Dự án cũng thiết lập và nhân rộng mô hình mái nhà xanh tại TP. Hồ Chí Minh để xử lý nước thải sinh hoạt.

Mô hình thí điểm sử dụng đá, vỏ sò và than củi đã được lắp đặt trên mái của một trung tâm nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, một đối tác khác trong dự án.

Nhóm dự án đã xây dựng mô hình đất ngập nước nổi ở Cần Thơ, Việt Nam. Nhóm dự án đã xây dựng mô hình đất ngập nước nổi ở Cần Thơ, Việt Nam.

Giáo sư Jegatheesan cho biết mục tiêu tổng thể của dự án là loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi các vùng nước một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng.

Giáo sư Jegatheesan nói: “Chúng tôi đã xây dựng bản hướng dẫn để nhân rộng và mở rộng quy mô các giải pháp xử lý nước dựa vào thiên nhiên. Mục tiêu bao trùm của chúng tôi là khám phá xem các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể đóng vai trò ra sao trong việc giúp các thành phố ở Đông Nam Á trở nên đáng sống hơn và thích ứng với thay đổi tốt hơn”.

“Chúng tôi đã làm việc với các nhóm ở Philippines, Sri Lanka, Việt Nam, Australia và Tây Ban Nha để biến hiện thực hóa điều này. Chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ từ mọi phía và điều này rất quan trọng cho sự thành công của dự án”, vị giáo sư cho biết.

Bà Nevelina Pachova đến từ RMIT Europe (trung tâm tại châu Âu của RMIT) đóng vai trò phát triển ý tưởng và hỗ trợ triển khai dự án thông qua một loạt cuộc họp trực tuyến và gặp mặt trực tiếp.

Bà cho biết: “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên được triển khai ngày càng nhiều ở châu Âu để làm cho các thành phố xanh hơn và để sử dụng tài nguyên đô thị một cách bền vững và tuần hoàn hơn”.

“Nhiều phương pháp quản lý tài nguyên truyền thống ở Đông Nam Á trên thực tế là các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nhưng hiện nay đã bị mai một hoặc vẫn chỉ giới hạn ở khu vực nông thôn. Vì vậy, ý tưởng của chúng tôi là khám phá cách phát triển các giải pháp và thực hành mới dựa trên thiên nhiên, hoặc điều chỉnh và tích hợp các giải pháp cũ vào trong các thành phố”.

Nhóm dự án gặp mặt tại RMIT Việt Nam Nhóm dự án gặp mặt tại RMIT Việt Nam

Mục tiêu chính là phát triển các giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương, điều mà theo bà Pachova cần có sự tham vấn của nhiều bên liên quan.

Nhóm hiện đã nộp đề xuất để thực hiện dự án tiếp nối tập trung vào việc xây dựng năng lực và thu hút mọi người cùng thiết kế và sử dụng các giải pháp dựa trên thiên nhiên tại nhiều địa điểm hơn trong khu vực.

Báo cáo tổng kết “Integrated assessment of existing practices and development of pathways for the effective integration of nature-based water treatment in urban areas in Sri Lanka, the Philippines, and Vietnam” được đăng tải bởi Mạng lưới châu Á-Thái Bình Dương về nghiên cứu thay đổi toàn cầu. Xem danh sách đầy đủ các thành viên dự án và tìm hiểu thêm về dự án tại đây.

Bài: Aeden Ratcliffe

  • Phát triển bền vững
  • Nghiên cứu và Đổi mới
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan