Theo xu hướng toàn cầu, các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã và đang đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động của ngân hàng mình.
Chẳng hạn, TPBank đã tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt vào kênh ngân hàng tự động LiveBank, tăng cường bảo mật và tiện lợi cho khách hàng. VietinBank sử dụng các ki-ốt nhận dạng FaceID để nhận diện khách hàng và chuyển yêu cầu của họ tới tư vấn viên, đồng thời đóng vai trò là trợ thủ đắc lực.
Các ngân hàng khác như VietABank, Nam A Bank, VPBank, Techcombank, VIB và ACB đã sử dụng AI cho nhiều chức năng khác nhau, bao gồm chatbot để hỗ trợ và tương tác với khách hàng, quản lý tài sản, bảo mật, phòng chống gian lận và phân tích hành vi rút tiền ATM vào mùa cao điểm.
Việc kết hợp công nghệ AI vào lĩnh vực ngân hàng không chỉ tối ưu hóa chi phí hoạt động mà còn tăng cường hỗ trợ khách hàng và cho phép tự động hóa quy trình hiệu quả. AI đã chứng minh lợi thế vượt trội trong việc cách mạng hóa quản lý dữ liệu, thấu hiểu hành vi khách hàng và thúc đẩy các mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều sử dụng AI truyền thống dựa trên quy tắc, vốn vượt trội trong việc xử lý các yêu cầu thông thường và hỗ trợ các giao dịch tài chính đơn giản. Loại AI này chỉ có thể tự động hóa các tác vụ đã được lập trình trước, thường được đào tạo riêng cho các tác vụ cố định và cụ thể, do vậy ít thích ứng hơn với các tình huống hoặc nhiệm vụ mới.
Trong khi đó, AI tạo sinh có thể được đào tạo trên nhiều loại dữ liệu và thích ứng với các tình huống và sự thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, ứng dụng AI tạo sinh trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn hạn chế.
AI tạo sinh là công nghệ thế hệ mới, với khả năng đưa tự động hóa lên một tầm cao hơn bằng cách trao quyền cho máy tính tạo ra nội dung và ý tưởng mới, chứ không chỉ xử lý và phân tích dữ liệu đơn thuần.
Điểm khác biệt đáng kể giữa AI truyền thống và AI tạo sinh là khả năng học hỏi và thích ứng. AI tạo sinh có thể xử lý dữ liệu trong quá khứ, học hỏi từ dữ liệu đó và đưa ra quyết định thông minh dựa trên kiến thức này, trong khi AI truyền thống chỉ giới hạn trong việc thực hiện các tác vụ được thiết kế sẵn.
AI tạo sinh có thể liên tục đào tạo lại, cập nhật và điều chỉnh các dự đoán, chẩn đoán và quyết định để đáp ứng với dữ liệu đầu vào mới. Khả năng thích ứng này phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa theo nhu cầu của khách hàng.
Hơn nữa, AI tạo sinh có thể truy cập thông tin cần thiết để thực hiện các tác vụ phức tạp liên quan đến thông tin khách hàng và hoàn thành các khoản thanh toán tự động đơn giản hoặc phức tạp dưới dạng tác tử AI tự trị (autonomous AI agent) mà không cần con người giám sát.