Ông trải qua những năm học phổ thông tại trường trung học St Mary of the Assumption của thành phố Elizabeth, và cũng trong những năm tháng này ông đã được mẹ mình truyền cảm hứng hướng tới làm thiện nguyện.
Nhờ Đạo luật GI, một đạo luật được thiết kế để hỗ trợ các cựu binh tiếp cận với giáo dục, mà sau này ông có cơ hội theo học tại Đại học Cornell, và điều này khiến ông càng quyết tâm hơn trong việc mở rộng cánh cửa cho những người khác.
Sau này, chính ông lại trở thành một nhà tài trợ hào phóng cho cả Đạo luật GI và Đại học Cornell, và sự hỗ trợ thiện nguyện của ông cho giáo dục đã tồn tại bền vững lâu dài.
Ông từng phục vụ trong lực lượng Không quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Triều Tiên với vai trò nhân viên vô tuyến và bước đầu xây dựng sự nghiệp bằng cách bán rượu miễn thuế cho lính hải quân Hoa Kỳ ở các cảng Địa Trung Hải vào những năm 1950.
Dần dà, ông đã đồng sáng lập nên tập đoàn bán lẻ miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) vào năm 1960 và tạo dựng khối tài sản của mình từ đây. Song thành công trong kinh doanh vì lợi ích riêng cũng như đời sống xa hoa giàu có chưa bao giờ là trọng tâm mà ông hướng tới.
Thay vào đó, ông luôn muốn giúp đỡ người khác. Được truyền thêm cảm hứng từ bài luận của Andrew Carnegie có tiêu đề "Sự giàu có", năm 1982, ông đã thành lập quỹ từ thiện Atlantic - vận hành nhờ khối tài sản khổng lồ mà ông đã chuyển vào. Ông luôn sống một cuộc đời hết sức thanh đạm và dành trọn tâm tư để thay đổi cuộc sống của những người khác.
Thông qua Quỹ từ thiện này, ông Feeney đã tìm kiếm cơ hội tạo ra sự khác biệt trên khắp thế giới, từ Ai-len đến Nam Phi, từ Australia đến Việt Nam.
Trong số đó, ông đã chia sẻ tầm nhìn của Đại học RMIT về việc mở phân hiệu tại Việt Nam và hỗ trợ hơn 39 triệu đô la Mỹ nguồn vốn ban đầu cho nhà trường để thành lập một trung tâm CNTT, trao các suất học bổng, xây dựng ký túc xá sinh viên với 240 giường, một trung tâm thể thao và giải trí, và nhiều thứ khác.
Ngoài RMIT, ông còn hào phóng tài trợ cho các tổ chức giáo dục khác và góp phần hiện đại hóa ngành y tế ở Việt Nam.
Tầm nhìn xa của ông đã thay đổi hoàn toàn tương lai của hàng ngàn sinh viên tràn đầy hy vọng ở một đất nước đang chuyển mình nhanh chóng.
Là một trong những nhà từ thiện và hình mẫu quan trọng nhất thế giới, ông Feeney đã quyên góp toàn bộ tài sản để phục vụ nhân loại. Ông nhận ra sức mạnh biến đổi của giáo dục, nghiên cứu và công bằng xã hội, và nhờ vào sự hào phóng của ông, nhiều cuộc đời đã thay đổi, nhiều thế hệ đã được tái định hình trở nên tốt đẹp hơn.
Ông lặng thầm làm thiện nguyện, không cần được ghi nhận, cho đến mãi gần đây sau khi đã cho hết và công bố đóng quỹ. Từ đó, ông chuyển sang khích lệ các doanh nhân trẻ khác hãy cho đi khi tuổi đời còn trẻ và chia sẻ thành công của họ.
Với quan điểm cho đi khi còn sống, vào thời điểm đóng quỹ, ông Feeney đã quyên góp 8 tỉ đô la Mỹ trong hơn 38 năm nhằm thúc đẩy công bằng hơn và đem đến công bằng cho mọi người. Điều này sẽ còn tiếp tục vang vọng trong nhiều thập kỷ tới.
Vĩnh biệt Chuck Fenney. Chúng tôi sẽ mãi nhớ về ông và tấm gương thiện nguyện của ông sẽ luôn sống mãi.