Tuy nhiên, Việt Nam sẽ chỉ có thể đạt được các mục tiêu đề ra nếu chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện tương ứng. Dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, đến năm 2025 chỉ riêng các cơ sở lưu trú du lịch sẽ cần hơn 800.000 lao động. Nhưng theo đánh giá của Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm bộ môn kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại RMIT Việt Nam, năng lực đào tạo hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu lao động.
Tiến sĩ Ribeiro nhận định, hiện có hai nhóm năng lực đang thiếu trầm trọng trong ngành du lịch Việt Nam.
“Đầu tiên, chúng ta cần các quản lý cấp trung và cấp thấp có chuyên môn tài chính vững chắc, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị khách sạn, cũng như thông thạo các công cụ tài chính đặc thù của ngành khách sạn”.
“Thứ hai và quan trọng hơn cả, chúng ta cần các chuyên gia du lịch và khách sạn có chuyên môn vững vàng về chất lượng dịch vụ, đáp ứng được kỳ vọng của khách du lịch nội địa và quốc tế”, ông nói.
Điều khiến cho tình hình hiện tại trầm trọng hơn là đại dịch COVID-19 (mà hiện nay có thể coi là bệnh đặc hữu) đã khiến một bộ phận lao động trong ngành khách sạn chuyển sang làm ở các lĩnh vực khác như bất động sản, khiến ngành du lịch càng thiếu hụt lao động có kỹ năng.
Tiến sĩ Ribeiro nhận định: “Ngành khách sạn nỗ lực giảm thiếu hụt nhân lực bằng cách tuyển dụng nhân sự nước ngoài hay ‘câu’ người từ các lĩnh vực dịch vụ khác về làm việc. Phương án thứ hai không lý tưởng chút nào bởi phần lớn những lao động này không đủ năng lực và chưa được đào tạo về du lịch và khách sạn. Điều này khiến tiêu chuẩn dịch vụ giảm sút, nhân viên nghỉ việc nhiều và khách hàng không hài lòng”.
Hơn nữa, COVID-19 khiến số sinh viên theo học ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Các nghiên cứu được thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch cũng cho thấy yêu cầu hạn chế đi lại và giãn cách xã hội khiến tương tác với khách hàng bị giảm thiểu, tạo ra thách thức đáng kể cho sinh viên đi thực tập để lấy kinh nghiệm thực tế.
Tiến sĩ Lương Thanh Thảo, giảng viên Quản trị nguồn nhân lực tại RMIT Việt Nam, chỉ ra rằng “ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, chất lượng đã là vấn đề nghiêm trọng với các cơ sở đào tạo du lịch, khách sạn trong nước. Đây là một trong những lý do khiến sinh viên dè dặt khi chọn học ngành này vì chương trình đào tạo thường cho thấy sự thiếu nhất quán trong cách thiết kế và phát triển chương trình, cũng như mối liên kết lỏng lẻo giữa các tổ chức, doanh nghiệp với nhà trường”.
Nghiên cứu cho thấy việc thiếu cán bộ giảng dạy với nền tảng học vấn đầy đủ và kinh nghiệm thực tế trong ngành cũng gây ảnh hưởng đến các chương trình đào tạo.
Tiến sĩ Thảo cho biết: “Liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực dịch vụ này, các trường phải tập trung mạnh vào việc thiết kế lớp học và không gian đào tạo nhằm thúc đẩy học tập thực nghiệm và tương tác”.
“Các trường nên xây dựng môi trường trải nghiệm khách sạn mô phỏng hiện đại ngay trong khuôn viên nhà trường để nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành này”, bà nhận định.