Break Free From Plastic hỗ trợ ra mắt chiến dịch không rác thải

Break Free From Plastic hỗ trợ ra mắt chiến dịch không rác thải

Thật khó làm ngơ với vấn nạn rác thải nhựa ở Việt Nam khi chai, túi và hộp đựng thức ăn nhựa xả đầy cống rãnh, làm ô nhiễm sông ngòi, kênh đào và rãnh thoát nước ven đường, còn các cửa hàng thì đưa túi nhựa vô tội vạ cho khách hàng dù họ chỉ mua một sản phẩm.

Việt Nam là một trong năm quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Cán bộ giảng viên và sinh viên RMIT Việt Nam cùng tình nguyện viên ở khắp TP. Hồ Chí Minh tham gia vào phong trào đang lan rộng -  #TrashChallenge vào ngày Trái đất. Sự kiện do thầy Nguyễn Hữu Nhân và CLB Thế hệ xanh RMIT Việt Nam tổ chức. Cán bộ giảng viên và sinh viên RMIT Việt Nam cùng tình nguyện viên ở khắp TP. Hồ Chí Minh tham gia vào phong trào đang lan rộng - #TrashChallenge vào ngày Trái đất. Sự kiện do thầy Nguyễn Hữu Nhân và CLB Thế hệ xanh RMIT Việt Nam tổ chức.

Thầy Nguyễn Hữu Nhân, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, là chủ nhiệm một nhóm nghiên cứu vừa nhận được hỗ trợ nghiên cứu của Break Free From Plastic – phong trào toàn cầu hướng đến một tương lai không còn rác thải nhựa.

Đại học RMIT Việt Nam và tổ chức Việt Nam Sạch và Xanh (tổ chức kêu gọi không xả rác mà thầy Nhân là đồng sáng lập) đã cùng nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu này.

Thầy Nhân chia sẻ: “Tôi được mời tham dự một hội thảo về phong trào không rác thải ở Đà Nẵng vào cuối năm 2017. Liên minh Không rác thải tại Việt Nam - Vietnam Zero Waste Alliance đã ra đời từ hội thảo này. Đây là một trong nhiều tổ chức trên cả nước hoạt động trong lĩnh vực môi trường”.

Liên minh đã nộp bản đề xuất hoạt động đến Qũy Giải pháp dành cho nhựa và nhận được 100 ngàn đô la Mỹ tài trợ cho hoạt động trong ba năm tới. Thầy Nhân cũng nhận được 30 ngàn đô la Mỹ cho phần của mình để thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm lan tỏa thông điệp về phong trào không rác thải trong ba năm tới.

“Đề xuất hoạt động của liên minh có tên gọi Tầm nhìn Việt Nam với bốn chiến lược chính”, thầy Nhân cho biết. “Chúng tôi chịu trách nhiệm về chiến lược thứ ba: truyền thông. Hoạt động mấu chốt của cả dự án là chúng tôi sẽ đi đến những cộng đồng dân cư ven biển thuộc hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó Vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà.

Đại học RMIT Việt Nam và tổ chức Việt Nam Sạch và Xanh sẽ làm việc với năm khu vực trong hành lang bảo vệ biển trên toàn quốc.

“Ý tưởng của dự án là đến các vùng này và thử hướng dẫn cho người dân nơi đây về toàn bộ mô hình không rác thải, giảm thiểu rác thải, giảm thiểu đốt rác thải, tăng cường ủ phân từ rác hữu cơ vì đa số rác thải là thức ăn hoặc sản phẩm hữu cơ”, thầy Nhân giải thích. “Chúng tôi sẽ đến những vùng này, làm khảo sát nhóm, tìm hiểu xem giải pháp nào phù hợp với người dân từng vùng và xây dựng chiến dịch dựa trên kết quả khảo sát”.

Thầy Nhân và nhóm của mình xem tài trợ cho ba năm đầu tiên là thuộc giai đoạn một trong hoạt động của nhóm vì họ có tầm nhìn dài hơi hơn trải dài trong 12 năm.

Một khía cạnh khác của chiến dịch là thu hút các bạn trẻ như sinh viên RMIT Việt Nam theo lối sống không rác thải. Để thực hiện mục tiêu này, thầy Nhân cùng nhóm của mình đã làm việc cùng CLB Thế hệ Xanh (một CLB sinh viên tại RMIT Việt Nam) để sản xuất một video nhạc rap về chủ đề này.

“Phần điệp khúc của bài rap là ‘hãy bỏ rác vào thùng’. Đây là cách nhắc nhở mọi người đừng xả rác một cách nhẹ nhàng và không khiến họ mất mặt”, thầy nói. “Chúng tôi mong bài hát sẽ tạo ảnh hưởng mà không khiến người được nhắc nhở cảm thấy mất mặt. Nếu cách này hiệu quả, chúng tôi có thể dùng cách tương tự với những hoạt động khác”.

Nỗ lực này là một phần của phong trào chống rác thải đang lớn mạnh ở Việt Nam giúp đẩy mạnh việc sử dụng ống hút tre và kim loại, đồng thời thay thế túi nhựa bằng túi vải. Các chuỗi cửa hàng đã bắt đầu dùng lá chuối để gói sản phẩm thay vì màng bọc thực phẩm bằng nhựa, còn một số cửa hàng khác ra đời trong hai năm qua lại tập trung vào bán những sản phẩm không rác thải. Dù chặng đường phía trước còn dài, nhưng đây là những dấu hiệu đầy khả quan.

Các bạn sinh viên sẽ được tham gia nhiều vào dự án do Đại học RMIT Việt Nam và tổ chức Việt Nam Sạch và Xanh thực hiện.

“Sau khi thực hiện khảo sát nhóm vào năm đầu tiên, hai năm tiếp theo chúng tôi sẽ dùng kết quả nghiên cứu đó để phát triển mạng xã hội, hay có thể là tổ chức những sự kiện, nhắm đến các khu vực được chọn. Chúng tôi sẽ để các bạn sinh viên lên kế hoạch cho phần này”, thầy Nhân cho biết. “Tôi nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội để các bạn được làm những việc thực tế.”

Bài: Michael Tatarski

  • Cộng đồng
  • Sự kiện
23/04/2019

Chia sẻ

Tin tức liên quan