Qua thư chia sẻ với Hội đồng xét tuyển Học bổng Đại học RMIT, Phó chủ tịch Hội Người mù TP. Hà Nội bà Chu Thị Thu Hà mô tả Thu Loan là một sinh viên nổi bật, luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách.
“Từ thời thơ ấu, Thu Loan đã là một cô gái chủ động, thông minh và sáng tạo”, bà nói. “Tôi còn nhớ em đến Hội Người mù TP. Hà Nội để tham gia lớp học kỹ năng hoà nhập sau các bạn đồng trang lứa những hai năm, nhưng Thu Loan chẳng những đã vượt qua trở ngại, mà còn đạt điểm số cao trong lớp. Với đức tính cần cù và thông minh, em đã hoàn tất chương trình bốn năm chỉ trong vòng hai năm học”.
Dù căn bệnh mắt bẩm sinh và một tai nạn ngày bé đã vĩnh viễn cướp đi thị lực của cô gái trẻ xinh xắn, nhưng Thu Loan vẫn rất lạc quan và luôn khát khao cháy bỏng được học tập, trải nghiệm cuộc sống và giúp đỡ những bạn trẻ đồng cảnh ngộ khác.
Từ năm 14 tuổi đến nay, Loan đã liên tục cộng tác với Hội Người mù TP. Hà Nội để chia sẻ về khát vọng, về những gì người khiếm thị đang trải qua.
“Tôi rất thấu hiểu sự kỳ thị mà người khuyết tật phải đối mặt và hy vọng giúp mọi người hiểu hơn về những người khuyết tật như tôi, cũng như về những gì chúng tôi có thể làm được”, cô chia sẻ.
Thu Loan còn làm trợ giảng tiếng Anh cho Trung ương Hội Người mù Việt Nam trong vòng một năm và tận dụng mọi cơ hội học tập có được để nâng cao kỹ năng mềm trong thời gian chờ kết quả ứng tuyển học bổng.
“Tôi đã học về công nghệ thông tin, về truyền thông trực tuyến, cũng như về cách sử dụng và làm sách nói”.
Cô gái trẻ xem mình là người may mắn hơn nhiều bạn khác vì luôn được gia đình ủng hộ, luôn có bạn bè kề bên hỗ trợ những ngày học hoà nhập ở trường Yên Hoà, và được các cô chú lãnh đạo Hội người mù TP. Hà Nội tin tưởng và tiến cử với RMIT để ứng tuyển học bổng. Chính vì vậy, dù ở đâu, Thu Loan luôn tìm cách đền đáp cho cộng đồng theo cách riêng của mình.
“Ngày còn học phổ thông, em dựa vào bài giảng thu âm, sách nói và các nguồn tư liệu số rất nhiều”, Loan chia sẻ. “So với các bạn ở những tỉnh xa, em thấy mình vẫn rất may mắn khi có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu học”.
Từ thời học cấp 2, Loan đã cùng một nhóm bạn làm sách nói để chia sẻ với cộng đồng. Sau đó, dù dự án tạm ngưng, Loan tiếp tục hợp tác với một số chương trình quốc tế làm sách nói cho các bạn khiếm thị khác.
“Sau khi ổn định việc học tại RMIT, em sẽ khởi động lại dự án làm sách nói, vì em rất hiểu những gì các bạn khiếm thị khác cần”, Loan hồ hởi chia sẻ.