RMIT tập huấn về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn

RMIT tập huấn về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn

Với một sinh viên năm cuối ngành kỹ sư cầu đường sẽ làm công việc thiết kế những cây cầu và con đường trong tương lai, một dự án thực tế sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc đánh giá năng lực và kiến thức so với một bài thi kéo dài ba tiếng.

Trong một dự án thực tế, sinh viên phải đi khảo sát địa hình, lập bản vẽ kỹ thuật chi tiết với sự tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm tư vấn với một kỹ sư cầu đường giàu kinh nghiệm.

Trên đây là một trong những ví dụ mà ông Milton Nomikoudis, chuyên gia tư vấn giáo dục, Đại học RMIT, đưa ra tại hội thảo do RMIT và Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội tổ chức gần đây.

Ba mươi sáu hiệu trưởng và giáo viên đến từ các trường THCS và THPT tại Hà Nội đã tham dự buổi tập huấn lần đầu tiên được tổ chức với tên gọi Giá trị của phương pháp học tập và đánh giá năng lực học sinh theo thực tiễn – Ý nghĩa của phương pháp đối với sinh viên, giảng viên và xã hội?

Ông Milton Nomikoudis, chuyên gia tư vấn giáo dục đưa ra những ví dụ về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn tại hội thảo. Ông Milton Nomikoudis, chuyên gia tư vấn giáo dục đưa ra những ví dụ về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn tại hội thảo.

Đánh giá năng lực theo thực tiễn là phương pháp trong đó sinh viên phải thực hiện những nhiệm vụ thực, thể hiện được khả năng áp dụng những kiến thức và kỹ năng thiết yếu.

Theo đó, những nhiệm vụ mà sinh viên phải thực hiện phải gắn liền với thực tế, và sẽ giúp sinh viên chuẩn bị cho những tình huống học tập phức tạp hơn trong tương lai.

Một trong nhưng đặc điểm quan trọng của phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn là học thật, chứ không phải “học vẹt”.

Với phương pháp kiểm tra truyền thống, người học cần phải ghi nhớ kiến thức và thể hiện mình nhớ được bao nhiêu. Trong khi đó, đánh giá năng lực theo thực tiễn đòi hỏi việc học thực chất, yêu cầu sinh viên giải quyết một tình huống thực.

“Thêm nữa, đánh giá năng lực theo thực tiễn không dừng ở việc đánh giá đúng hay sai, mà chú trọng đến việc ứng dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết một vấn đề thực tế.”

“Do đó, một lợi ích của phương pháp này là sinh viên sẽ trở nên năng động, tháo vát, tự tin và có thể hòa nhập tốt hơn vào môi trường quốc tế trong tương lai.”

Ba mươi sáu hiệu trưởng và giáo viên học về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn Ba mươi sáu hiệu trưởng và giáo viên học về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn

Cô Đào Thị Tươi, giáo viên tại trường THCS và THPT Nguyễn Siêu chia sẻ phương pháp đánh giá năng lực theo thực tế mà cô đang áp dụng.

Thay vì làm bài kiểm tra viết, tại Nguyễn Siêu, học sinh được giao một dự án kinh doanh kéo dài ba tuần, các em sẽ tự lên kế hoạch, gây quỹ, chọn sản phẩm để bán và thậm chí giao hàng cho khách.

Trong thời gian thực hiện dự án sẽ có một giáo viên đồng hành để hỗ trợ các em khi cần. Bằng cách này, các em sẽ ứng dụng những kiến thức đã học ở trong lẫn ngoài trường để giải quyết các tình huống thực tiễn.

Thảo luận về ứng dụng của phương pháp này tại Đại học RMIT, ông Nomikoudis cho biết giảng viên đóng vai trò điều phối, trong khi sinh viên chủ động đóng góp và đồng sáng tạo kiến thức thay vì chỉ là những người thụ động tiếp thu kiến thức.

“Sinh viên RMIT được tiếp cận với những vấn đề thật cũng như các chuyên gia trong ngành, đồng thời có cơ hội áp dụng kiến thức được học để đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp”, ông cho biết thêm.

Bà Bùi Thị Minh Nga (giữa) – Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông – Sở GD&ĐT Hà Nội tham dự hội thảo. Bà Bùi Thị Minh Nga (giữa) – Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông – Sở GD&ĐT Hà Nội tham dự hội thảo.

Kết thúc hội thảo, bà Bùi Thị Minh Nga – Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông – Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ cảm nghĩ.

“Sở GD&ĐT đánh giá cao những hội thảo giá trị như thế này. Đây là một cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo các trường THCS và THPT tiếp cận kiến thức mới về phương pháp đánh giá năng lực theo thực tiễn. Những bài kiểm tra giới hạn thời gian và không sử dụng tài liệu sẽ được thay thế bằng đánh giá năng lực theo thực tiễn”, bà cho biết.

“Lãnh đạo các trường sẽ chia sẻ lại những kiến thức mới mẻ này cho các giáo viên khác trong trường của mình”. 

  • Hoàn thiện kỹ năng cá nhân
  • Phát triển nghề nghiệp
30/01/2019

Chia sẻ

Tin tức liên quan