Định hướng đào tạo tại RMIT Việt Nam (phần 1)

Định hướng đào tạo tại RMIT Việt Nam (phần 1)

Bài viết dưới đây được trích từ bài phỏng vấn Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng RMIT Việt Nam, được đăng trên báo Sinh viên Việt Nam (SVVN) vào ngày 4/12/2017.

Đây là phần đầu của loạt hai bài phỏng vấn tập trung đề cập đến thành tích đạt được của trường trong ba mảng chiến lược gồm phát triển, chất lượng và khác biệt.

SVVN: Được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam vào tháng 1/2014, nhìn lại những năm qua bà thấy mình đã thực hiện được gì so với mục tiêu đã đề ra?.

GM: Khi bắt đầu làm việc tại RMIT Việt Nam vào tháng 1/2014, tôi đã cùng Ban điều hành trường vạch ra mục tiêu chiến lược cho những năm sắp tới. Chúng tôi muốn tập trung vào ba mục tiêu chính.

Mục tiêu đầu tiên là tăng số lượng sinh viên. Mục tiêu này đạt được nhờ mở thêm các ngành học mới như ngành Cử nhân Du lịch và Quản trị khách sạn, Cử nhân Ngôn ngữ, Cử nhân Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo), Cử nhân Kỹ thuật (Kỹ sư Điện và Điện tử), Cử nhân Kỹ thuật (Kỹ sư Robot và Cơ điện tử) và Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế.

Chúng tôi cũng đã triển khai chương trình Đào tạo Tiến sĩ với hai suất học bổng dành cho nữ nghiên cứu sinh.

Kết quả là hàng năm, số lượng sinh viên nhập học đều tăng lên.

Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Gael McDonald (trái) trao Học bổng Tiến sĩ cho cô Võ Ngọc Thảo Nguyên vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2017 Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Gael McDonald (trái) trao Học bổng Tiến sĩ cho cô Võ Ngọc Thảo Nguyên vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2017

Mục tiêu chiến lược thứ hai của chúng tôi là chất lượng. Khái niệm chất lượng luôn khó xác định nên chúng tôi đã cụ thể hơn bằng cách tập trung vào chất lượng các chương trình đào tạo, trải nghiệm sinh viên, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, cũng như cơ sở hạ tầng. 

Một số thành tựu trọng yếu trong mảng này có thể kể đến như: giới thiệu các hoạt động học tập qua trải nghiệm thực tế, giảm tải áp lực thi cử, giảm dần việc sử dụng sách giáo khoa trong dạy và học để chuyển sang các tài liệu sát với thực tiễn hơn, phát triển chuyên môn cho cán bộ giảng viên, tái cấu trúc khối giảng dạy, ra mắt phòng Đào tạo Sau đại học – Khu vực châu Á vào năm 2015 với sứ mệnh tập trung cung cấp các chương trình sau đại học đẳng cấp quốc tế được công nhận tại Việt Nam, cải tạo các toà nhà ở cả hai cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu về thiết kế, công nghệ và bền vững của trường. Chúng tôi cũng ra mắt phòng Thực nghiệm Giao dịch tài chính năm 2015 và phòng Thực hành An ninh mạng vào năm 2016.

Phòng Thực nghiệm Giao dịch tài chính mô phỏng theo phòng giao dịch chứng khoán thực tế. Phòng Thực nghiệm Giao dịch tài chính mô phỏng theo phòng giao dịch chứng khoán thực tế.

Mục tiêu quan trọng thứ ba của chúng tôi là tạo khác biệt với trọng tâm tăng cường trải nghiệm quốc tế cho sinh viên (cả sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam và sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài), tập trung vào các kỹ năng thế kỷ 21 cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên gặp trở ngại trong học tập, tập trung mạnh mẽ vào kỹ thuật số, đồng thời tăng cường củng cố hơn nữa mối quan hệ sẵn có với doanh nghiệp trong các ngành.

Vài thành tựu nổi bật có thể kể đến là hiện mỗi năm chúng tôi có khoảng 200 sinh viên RMIT Việt Nam tham gia chương trình trao đổi đến RMIT Melbourne và ngày càng nhiều sinh viên RMIT Việt Nam theo học tại hơn 200 học viện đối tác với chúng tôi trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng triển khai Chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân (Personal Edge). Đây là chuỗi các lớp học chuyên đề nhằm giúp sinh viên phát triển nhiều kiến thức và kỹ năng ngoài kiến thức chuyên ngành, cũng như giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng để thành công trong thị trường lao động đầy cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn trong học tập, năm 2016, trường đã triển khai chương trình RMIT Access – một sáng kiến được áp dụng toàn trường đảm bảo quyền lợi cho sinh viên gặp khó khăn trong học tập, như sinh viên mắc chứng khó đọc, vẫn có thể học tập bình thường. Thường hầu hết các cơ sở giáo dục sẽ tách sinh viên gặp vấn đề trong học tập ra khỏi lớp và hỗ trợ thêm, trong khi đó, RMIT Việt Nam có thể nói là cơ sở giáo dục đầu tiên trên thế giới chuyển đổi tất cả tài liệu học tập về định dạng mà mọi sinh viên đều có thể tiếp cận được. Ý nghĩa lớn lao của hành động này là chúng tôi xem mọi người đều có thể gặp vấn đề trong học tập, và mọi tài liệu cũng như công nghệ giảng dạy đều nhằm hỗ trợ mọi người.

Tập trung vào kỹ thuật số còn được chúng tôi đẩy mạnh hơn nữa với sự ra đời của Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) - một trong những sáng kiến hàng đầu của trường nhằm xây dựng năng lực giáo dục tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ chuyên môn trong ứng dụng kỹ thuật số vào giảng dạy và học tập.

Điều khiến chúng tôi cảm thấy vui mừng hơn cả không chỉ là việc gia tăng số lượng sinh viên, mà còn là chất lượng của những bạn theo học tại RMIT Việt Nam. Đóng góp của trường đã được ghi nhận thông những giải thưởng uy tín mà RMIT Việt Nam có được nhờ những nỗ lực và đóng góp vượt bậc cho sự phát triển của Việt Nam. RMIT Việt Nam đã được trao giải Rồng Vàng và giải Thương mại dịch vụ hàng đầu vào năm 2016, và giải Chu Văn An nhờ những cống hiến vào sự phát triển văn hoá và giáo dục của Việt Nam năm 2014.

Tuy nhiên, đến cuối cùng điều quan trọng nhất với chúng tôi chính là thành tựu của sinh viên. Chúng tôi hết sức vui mừng khi thấy sinh viên RMIT Việt Nam giành nhiều giải thưởng lớn trong nước cũng như quốc tế. Hai em đã giành hai vị trí cao nhất trong cuộc thi Young Marketers (Tạm dịch: Chuyên gia tiếp thị trẻ tuổi), một em khác giành giải nhất trong cuộc thi Lập kế hoạch kinh doanh HSBC (Vòng quốc gia), và hai em học ngành Truyền thông chuyên nghiệp đã vinh dự cùng 300 bạn trẻ từ các nước ASEAN và Nhật Bản tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á do Nhật Bản tài trợ, cùng nhiều giải thưởng khác.

***

Phần hai của bài phỏng vấn sẽ được đăng vào tuần sau. Toàn bộ bài phỏng vấn bằng tiếng Việt đã được đăng trên báo Sinh viên Việt Nam.

Bài: Howie Phung

  • Cộng đồng
23/01/2018

Chia sẻ

Tin tức liên quan