Ngược lại, UMG lại xem TikTok như một DSP phân phối âm nhạc số khi cách họ kinh doanh dù trực tiếp hay gián tiếp đều dựa trên nội dung người dùng tạo ra, và người dùng sử dụng âm nhạc có bản quyền để làm nội dung. Do đó, TikTok cũng được xem là một nền tảng âm nhạc, sử dụng và tạo nội dung dựa trên các bài hát có bản quyền. TikTok sử dụng âm nhạc gián tiếp qua nội dung của người dùng thì cũng phải trả tiền bản quyền sòng phẳng.
Nguyên nhân sâu xa là do sự thay đổi trong hành vi nghe nhạc. Mô hình bài hát dài từ ba đến năm phút không còn được thịnh hành. Theo nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT Việt Nam, xu hướng âm nhạc nhanh (15-30 giây cho một bài hát) trở nên phổ biến, và nội dung âm nhạc tạo ra bởi người dùng cũng thịnh hành hơn, đúng với sự phát triển cốt lõi của mô hình hoạt động của TikTok. Trên TikTok, các sản phẩm âm nhạc phái sinh từ bài hát gốc thường phổ biến và xuất hiện nhiều hơn từ vài chục lần tới vài trăm, ngàn lần so với bài hát gốc, tùy vào độ phổ biến của trích đoạn nhạc nhanh và sáng tạo nội dung của người dùng. Do đó, UMG cảm thấy họ thua thiệt trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc với TikTok.
UMG bày tỏ quan ngại về tốc độ phát triển của AI sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền trên TikTok. Ông đánh giá sao về điều này?
Việc sử dụng AI, đặc biệt trong sản xuất âm nhạc, là vấn đề gây tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ giữa các nghệ sĩ, nhà phát hành nhạc và các đơn vị khác hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
Về bản quyền âm nhạc, việc sử dụng bản thu âm cho mọi mục đích thương mại đều phải được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền. Trong trường hợp này, TikTok yêu cầu UMG cung cấp thỏa thuận cho phép người dùng TikTok có thể phối lại, chế tác lại các bài hát thuộc sở hữu bởi UMG bằng cách sử dụng công cụ AI. Điều này có lợi cho người dùng TikTok, khi họ có thể sử dụng AI để tạo ra các bài hát dựa trên bản gốc mà không cần phải có quá nhiều tài năng.
Và khi tái tạo nội dung bài hát qua AI, họ được xem là sở hữu nội dung bài hát đó, trong khi rõ ràng họ không phải là tác giả gốc hay nghệ sĩ gốc thực hiện bài hát đó, nên cũng ko quan tâm tới việc bản quyền. Điều đó giống như một dạng “đạo nhạc” vì về lâu dài, người dùng có thể chuyển qua nghe nhạc do AI tạo ra, và khi đó các đơn vị sở hữu bản quyền như UMG và các nghệ sĩ sẽ bị thất thu.
Còn với TikTok, họ (vô tình hay cố ý) muốn lờ đi vấn đề này, hay ít dành sự quan tâm nghiêm túc tới nội dung tạo bởi AI, vì đó là điểm mà người dùng có thể tận dụng để sản xuất và tiêu thụ nội dung mới lạ, đa dạng hơn, từ đó, làm tăng lượt truy cập vào TikTok đi kèm với hoạt động quảng cáo, bán hàng.