Tiến sĩ Dwight bổ sung rằng ngay cả các hệ thống quảng cáo cũng có thể bị xâm phạm. Theo đó, các nền tảng đôi khi vô tình chứa chấp các quảng cáo độc hại thoạt nhìn có vẻ an toàn nhưng lại dẫn người dùng tới các trang web lừa đảo. Nhiều tổ chức, chẳng hạn như các nền tảng mạng xã hội, không tiến hành thẩm định đối với các “đơn vị tiếp thị" để xác minh xem họ có phải là công ty thật hay không, mà chỉ tập trung vào bán quảng cáo.
Tại Việt Nam, cảnh báo an toàn thông tin hàng tuần của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy thực tế đáng báo động: phần lớn các trang web lừa đảo được phát hiện hằng tuần là các nền tảng ngân hàng hoặc thương mại điện tử giả mạo. Tiến sĩ Dwight cho rằng đây có thể không phải là những sự vụ riêng lẻ mà là hành động của các tổ chức tội phạm có hệ thống, được công nghệ hỗ trợ.
Không dừng lại ở lừa đảo và tấn công trực tiếp
Hiện tượng ép nạn nhân buôn người làm việc cho các tổ chức lừa đảo là một vấn đề liên quan mà Tiến sĩ Dwight đang nghiên cứu cùng một tổ chức phi lợi nhuận. Đây là loại tội phạm đang gia tăng ở Đông Nam Á, khi nhiều kẻ xấu sử dụng các trang web việc làm và mạng xã hội để thu hút và tuyển dụng người lao động bằng các công việc giả mạo. Sau đó, nạn nhân bị buôn người đến các địa điểm ở Myanmar và Campuchia, và bị ép thực hiện các hành vi tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo thương mại điện tử và những hành vi khác.
Điều khiến những tội ác này đặc biệt nghiêm trọng là tác động leo thang mà chúng gây ra. Tiến sĩ Dwight giải thích rằng có thể có thiệt hại thứ cấp đáng kể, khi mà một vụ lừa đảo trực tuyến đơn thuần có thể nhanh chóng chuyển thành tội ác nghiêm trọng hơn như buôn người, lao động cưỡng bức, rửa tiền và thậm chí là bạo hành thể xác.
Hành vi lệch chuẩn cũng là một khía cạnh phổ biến nhưng thường bị bỏ qua của nạn lừa đảo thương mại điện tử. Những hành vi này thường lợi dụng các chính sách kinh doanh hướng tới cung cấp trải nghiệm tối ưu cho khách hàng như miễn phí vận chuyển và trả hàng.
Tiến sĩ Dwight cho biết: “Có những người đặt mua một món hàng và thực tế đã nhận được hàng, nhưng sau đó lại nói rằng chưa nhận được. Thường thì các trang thương mại điện tử sẽ hoàn tiền vì họ cố gắng mang đến trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách hàng”.
“Hoặc ai đó có thể mở cửa hàng trực tuyến và nhờ bạn bè viết hàng trăm bài đánh giá tích cực. Hành động đó không hẳn là bất hợp pháp, nhưng cũng không hợp đạo đức. Những hành vi lệch chuẩn như vậy có thể khiến người tiêu dùng và các trang web thương mại điện tử mất rất nhiều tiền”, ông nhận định.