Sinh viên RMIT sản xuất MV cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế

Sinh viên RMIT sản xuất MV cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế

Trong khuôn khổ sáng kiến học tập kết hợp thực tiễn (WIL) được triển khai thành công tại Đại học RMIT từ nhiều năm nay, sinh viên ngành Truyền thông số đã có cơ hội quý giá hợp tác với các nghệ sĩ danh tiếng quốc tế để sản xuất video âm nhạc (MV) cho họ.

Sản xuất MV là môn học chuyên ngành thuộc chương trình năm hai của ngành Truyền thông số. Môn học cho sinh viên cơ hội rèn luyện kỹ năng sáng tạo qua khâu lên ý tưởng và trực quan hóa bài hát theo hai hướng tiếp cận khác nhau: MV thử nghiệm và MV truyền thống, có nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn và phần hát nhép.

Kinh nghiệm thực tế này sẽ giúp sinh viên tiếp cận với những khía cạnh thực hành phức tạp trong lĩnh vực của họ, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sáng tạo và ứng dụng kiến thức lý thuyết vào bối cảnh thực tiễn.

Theo ông Ricardo Arce, Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông số, Đại học RMIT, “môn Sản xuất MV được triển khai nhiều năm nay và thu hút khá nhiều sinh viên cũng như gặt hái thành công đáng kể”.

Tuy nhiên, một trong những thách thức mà sinh viên gặp phải là tìm ra bài hát phù hợp (nhạc có bản quyền) để làm MV. Ông Arce đã nảy ra ý tưởng tiếp cận các ban nhạc trong nước trước để giúp sinh viên có thể thực hành với các bài hát chất lượng cao, từ đó giảm bớt khó khăn từ việc sử dụng nhạc miễn phí, kém sôi động hoặc phải dành thời gian học hành quý giá chỉ để tìm nhạc cho bài đánh giá trên lớp.

“Việc tiếp cận được với âm nhạc chất lượng từ các nghệ sĩ/ban nhạc sẽ giúp sinh viên có thêm động lực và quyết tâm tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, có tiềm năng phân phối rộng rãi hơn”, giảng viên ngành Truyền thông số Joel Spezeski nhận định.

Ngược lại, các nghệ sĩ/ban nhạc cũng được lợi khi hợp tác với sinh viên làm MV vì không phải bỏ ra khoản tiền lớn để sản xuất như thông lệ đối với những sản phẩm tương tự.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, giảng viên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, giải thích rằng quyết định biến môn học này thành trải nghiệm học tập kết hợp thực tiễn (WIL) xuất phát từ mong muốn mô phỏng quá trình làm việc giữa đội ngũ sáng tạo và khách hàng khi sản xuất MV.

Với phương pháp tiếp cận này, sinh viên phải hợp tác với đối tác WIL như những khách hàng, nghiên cứu đặc điểm của thể loại nhạc, tìm hiểu các tác phẩm trước đây của họ, tham gia thảo luận với nghệ sĩ/ban nhạc và nhiều hoạt động khác.

Ông Spezeski nhấn mạnh: “Các trải nghiệm như vậy rất quan trọng đối với những ai muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo trước khi họ thực sự bắt đầu”.

Ông Khoa tiết lộ: “Phản hồi từ các đối tác WIL sau môn học hết sức tích cực. Nhiều người còn bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc với sinh viên RMIT và giới thiệu các ban nhạc khác cùng tham gia”.

Một trong những đối tác WIL gần đây nhất – anh Jack Gray, nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất người Australia hiện sinh sống tại Los Angeles, đã hết lời khen ngợi tính sáng tạo vượt bậc và lối tiếp cận tràn đầy năng lượng của sinh viên trong quá trình sản xuất MV cho anh: “Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với sinh viên trong một dự án như thế này, và toàn bộ trải nghiệm đều thật tuyệt vời”.

“Chúng tôi dành hàng tháng trời thảo luận qua Zoom và các bạn đã cho ra một kịch bản hấp dẫn cho từng phân cảnh. Các bạn tràn trề sáng tạo và năng lượng tuổi trẻ. Ý tưởng mà các bạn đưa ra cho bài hát mới nhất của tôi, Heartbreak Hotel, thật tuyệt vời”.

Cả Jack và sinh viên đều được lợi từ quá trình hợp tác này -- sinh viên thu hoạch được kinh nghiệm làm việc thực tế, còn Jack thì có cơ hội làm việc với thế hệ trẻ và chứng kiến những ý tưởng mới mẻ của họ trở thành hiện thực. Jack bày tỏ sự hài lòng với dự án hợp tác này, miêu tả đây như một thành tựu chung: “Chúng tôi thực sự làm MV cho bài hát Heartbreak Hotel cùng nhau”.

jack-gray-heartbreak-hotel.jpg

Jack Gray - Heartbreak Hotel (Official Music Video)

Khi mới biết về môn học Sản xuất MV, Nguyễn Võ Hoàng Nhi, chịu trách nhiệm sản xuất, quản lý quá trình sản xuất và thiết kế sản xuất cho Heartbreak Hotel, đã hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, khi đi sâu vào yêu cầu của bài tập, Nhi đã lo lắng “vì có quá nhiều điều mới cần phải học, và khi đó, tôi không tự tin lắm”.

Choi Geon, chịu trách nhiệm đạo diễn hình ảnh và quay phim cho MV, chia sẻ rằng cả nhóm đã nghĩ ra tới hơn 20 ý tưởng.

Trần Đình Minh Long, chịu trách nhiệm chỉnh màu cho Heartbreak Hotel, nêu bật những thách thức gặp phải trong giai đoạn hậu kỳ.

“Quá trình sản xuất gói gọn khoảng hai ngày, nhưng giai đoạn hậu kỳ mất tận một tuần", Long nói.

Bạn cho biết cả nhóm đã phải lên trường làm việc liên tục suốt một tuần từ sáng sớm đến tối muộn, kể cả cuối tuần, để đảm bảo tiến độ cho MV phát hành trên toàn cầu.

Nhóm sinh viên ngành Truyền thông số, Đại học RMIT tham gia sản xuất MV Heartbreak Hotel (Từ trên xuống và trái sang): Choi Geon, Trần Đình Minh Long, Quách Tú Anh, Đoàn Trần Thanh Hoa và Nguyễn Võ Hoàng Nhi Nhóm sinh viên ngành Truyền thông số, Đại học RMIT tham gia sản xuất MV Heartbreak Hotel (Từ trên xuống và trái sang): Choi Geon, Trần Đình Minh Long, Quách Tú Anh, Đoàn Trần Thanh Hoa và Nguyễn Võ Hoàng Nhi

Theo Đoàn Trần Thanh Hoa, trợ lý đạo diễn, thiết kế sản xuất và biên tập cho MV, mỗi thành viên trong nhóm đều cố gắng cải thiện chất lượng công việc, đảm bảo đáp ứng hoặc đáp ứng vượt bậc mọi tiêu chí.

Hoa nhấn mạnh: “Tầm quan trọng của làm việc nhóm, những bài học quý giá từ tương tác với khách hàng thực tế, tính thiết yếu của việc phối hợp nhuần nhuyễn và quản lý khách hàng là những bài học quý báu mà chúng tôi rút ra được từ môn học này”.

“Ngoài những nỗ lực tạo ra sản phẩm cuối cùng, điều tôi thực sự trân quý chính là tình bạn hình thành giữa chúng tôi trong suốt hành trình này”, Quách Tú Anh, chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật cho MV, chia sẻ.

bts-jack-gray.jpg

Ngoài Jack Gray, sinh viên theo học môn Sản xuất MV gần đây nhất cũng hợp tác với các ban nhạc tại Việt Nam bao gồm KAALI, Skeleton Goode và Limebocx.

Nhờ quá trình hợp tác này, sinh viên RMIT đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc quý giá và ra mắt dân trong ngành vì đây là cơ hội để các bạn thể hiện tài năng giúp xây dựng hồ sơ năng lực của bản thân. Sự tham gia của các đối tác WIL cũng củng cố niềm tin vào chất lượng sản phẩm do sinh viên ngành Truyền thông số RMIT sản xuất. Những MV được chọn sẽ có mặt trên trang web và các trang mạng xã hội của các ban nhạc.

Bài: Thùy Dung

  • Phim & Video

Tin tức liên quan