Trong khi đó, sợi tổng hợp tiêu thụ lượng nước thấp hơn đáng kể (chỉ bằng khoảng 1%), nhưng lại tốn năng lượng hơn rất nhiều.
Sợi hóa dầu làm từ nhiên liệu hóa thạch như polyester, nylon và acrylic là “xương sống” của thời trang nhanh. Tuy nhiên, một bất cập lớn từ những loại sợi này là tính khó phân hủy.
Sợi hóa dầu giải phóng hạt vi nhựa trong quá trình phân hủy dần dần. Vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây nguy hại đến sức khỏe của động vật và con người.
Bạn cũng có thể từng bắt gặp các loại vải pha, được sản xuất bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều loại sợi khác nhau. Các loại vải này đặt ra thách thức trong việc phân loại và tái chế, vì không phải lúc nào cũng có thể tách lọc các loại sợi khác nhau khi mà chúng được dệt quyện vào nhau.
Sợi phi truyền thống và tiềm năng thay đổi cục diện
Trong bối cảnh sợi truyền thống đang bị tiêu thụ quá mức, một số thương hiệu thời trang toàn cầu đã bắt đầu sử dụng các loại sợi mới có nguồn gốc từ rong biển, ngô và nấm. Các hãng tiên phong ở đây phải kể đến Stella McCartney, Balenciaga, Patagonia và Algiknit.
Sợi sen, sợi dứa và sợi chuối cũng đang nổi lên như những lựa chọn tự nhiên mới. Sợi sen được lấy từ thân cây sen, sợi chuối được chiết xuất từ cuống lá (phần nối giữa lá và thân), còn sợi dứa thì được sản xuất từ lá dứa.
Quá trình chiết xuất sợi từ các chất thải như vỏ cam, bã cà phê, thậm chí từ protein của sữa bỏ đi cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, và đã có quần áo được sản xuất thành công từ những nguyên liệu này.
Tất cả những loại sợi phi truyền thống trên đều không đi kèm với những vấn đề mà sợi truyền thống gặp phải như tiêu thụ nhiều tài nguyên (đặc biệt là nước), sử dụng hóa chất độc hại, tiêu hao nhiều năng lượng (trong sản xuất sợi tổng hợp).
Hơn nữa, những loại sợi phi truyền thống này có thể phân hủy sinh học khi hết tuổi thọ và không giải phóng vi nhựa trong quá trình giặt.
Việc sử dụng sợi tổng hợp tái chế cũng đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu thô, năng lượng và hóa chất. Việc tái chế đồ nhựa, điển hình là chai nước uống, để làm quần áo cũng đang trở nên phổ biến hơn. Những sáng kiến như vậy có thể giúp con người bớt phụ thuộc vào nguyên liệu thô và giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Hơn nữa, cách kết hợp các loại màu sắc phù hợp trong quá trình tái chế và xử lý vải cũng có thể làm giảm nhu cầu nhuộm vải.