Từ góc nhìn của những người từng làm việc trong lĩnh vực game và hiện là giảng viên đại học, chúng tôi cho rằng trở ngại lớn mà các nhà lập trình game Việt Nam phải vượt qua chính là “tư duy sản xuất”.
Kết quả từ 32 cuộc phỏng vấn của LacBird với đại diện các studio game từ quy mô nhỏ (3-5 nhân viên) đến trung bình (25-50 nhân viên) tại Hà Nội và TP.HCM chỉ ra rằng, hầu hết các nhà thiết kế gặp khó khăn ở giai đoạn hình thành ý tưởng ban đầu. Do đó, họ có xu hướng tìm kiếm các game được tải xuống nhiều nhất hoặc bán chạy nhất trên các cửa hàng ứng dụng của Google, Apple hay Steam. Họ đầu tư nhiều thời gian và tài chính để sao chép gần như y nguyên các sản phẩm này, thậm chí nhân bản các ứng dụng này và chỉ thay đổi đồ họa, âm thanh.
“Tư duy sản xuất” này là hậu quả của việc đi theo lối mòn của các doanh nghiệp gia công phần mềm, làm giảm khả năng đổi mới sáng tạo. Nếu muốn ngành thiết kế game Việt đứng vững và trở thành một phần của ngành công nghiệp game toàn cầu cũng như tạo ra được các game độc đáo, chúng ta sẽ cần chuyển “tư duy sản xuất” thành “tư duy thiết kế sáng tạo”. “Thiết kế” ở đây bao hàm tư duy sáng tạo, lên ý tưởng, quá trình tưởng tượng và lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và phân tích, nghiên cứu và đánh giá, nghệ thuật, khoa học và công nghệ.
Chú trọng đào tạo bài bản nhân lực thiết kế game
Chúng tôi cho rằng ngành game Việt Nam có tiềm năng trở thành trụ cột hàng đầu của nền kinh tế kỹ thuật số và xây dựng vị thế nổi trội trên thị trường game toàn cầu. Song để làm được điều này, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào đào tạo bài bản những nhà thiết kế game với tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, cũng như đầy đủ khả năng thích ứng với công nghệ mới và xu hướng thị trường.
Đại học RMIT đã đưa vào giảng dạy chương trình Cử nhân Thiết kế Game tại Việt Nam từ năm 2022. Với chương trình này, chúng tôi định hướng đào tạo ra những nhà thiết kế game với các kỹ năng cần thiết như suy nghĩ, lên ý tưởng, tư duy thiết kế, phân tích phản biện, giải quyết vấn đề, nghiên cứu, dẫn dắt cốt truyện, thiết kế màn chơi, thiết kế hệ thống, sáng tạo nội dung, xây dựng nguyên mẫu sản phẩm, cân bằng gameplay, kiểm thử sản phẩm…Trong đó, một trong những mục tiêu chính là giáo dục cho sinh viên biết sáng tạo.